Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 15/10 hàng năm do Tổ chức Đối tác rửa tay toàn cầu khởi xướng và được Liên Hiệp Quốc phát động từ năm 2008 với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng, cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả và nằm trong khả năng của tất cả mọi người. 

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thực hiện Quyết định 1092/QĐ-TTg ngày 2/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam và triển khai Quyết định số 6847/QĐ-BYT ngày 13/11/2018 về phê duyệt Đề án “Truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018 -2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, hàng năm Bộ Y tế đã phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh, truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, rửa tay với xà phòng tưởng như rất đơn giản nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người đặc biệt là trẻ em, người dân sống tại vùng nông thôn chưa thực hiện được điều này.

Báo cáo năm 2017 của Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc cho thấy, trên thế giới vẫn còn khoảng 3 tỷ người không được tiếp cận với công trình rửa tay, hoặc có nhưng lại thiếu xà phòng và nước sạch; khoảng 66% dân số nông thôn không có công trình rửa tay cơ bản nhất. 

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng các đại biểu hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng.


Tỷ lệ rửa tay trong nhóm người giàu nhất cao gấp đôi so với nhóm người nghèo nhất; Khoảng 47% trường học, tương đương với 900 triệu học sinh trên thế giới không có công trình rửa tay với xà phòng. 43% cơ sở y tế thiếu các công trình rửa tay với xà phòng, 35% cơ sở y tế có điểm rửa tay nhưng không có sẵn nước và xà phòng. Khoảng 15% dân số thế giới là người khuyết tật, 12% dân số là người già. 

Tuy nhiên nhiều người trong số họ đang gặp khó khăn trong việc sử dụng các công trình rửa tay do thiết kế, bố trí chưa hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều người dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với công trình rửa tay.

Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thuỷ đậu. Có thể thấy gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân gồm rửa tay với xà phòng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi các ngành, các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể, các tổ chức và cơ quan báo chí cùng phối hợp với ngành Y tế tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch bệnh. 

Đồng thời đảm bảo tất cả mọi người kể cả người già, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc được đề cập đến trong mọi chính sách, chương trình, hoạt động thúc đẩy rửa tay với xà phòng. Xây dựng và ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn về xây dựng, bảo quản các công trình, điểm rửa tay với xà phòng đảm bảo mọi người được tiếp cận và dễ dàng sử dụng, phù hợp cho từng đối tượng khác nhau; cũng như đảm bảo tất cả các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, cơ sở y tế, trường học, những nơi công cộng có các công trình, điểm rửa tay có đủ nước sạch, xà phòng hay chất tẩy rửa phù hợp, dễ dàng tiếp cận để sử dụng và phù hợp với mọi đối tượng.

Cùng với đó đó thực hiện các nghiên cứu về sự bất bình đẳng trong rửa tay với xà phòng ở các khu vực khác nhau từ đó xây dựng các chính sách phù hợp; cũng như đẩy mạnh giáo dục về rửa tay với xà phòng trong các trường học nhằm tạo thói quen rửa tay với xà phòng cho các em học sinh ngay từ nhỏ.

Theo Bộ Y tế, chủ đề năm nay phù hợp với Chủ đề của Thế giới là “Tay sạch cho mọi người” bắt nguồn từ mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững. Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận về chỗ rửa tay và các chương trình tăng cường rửa tay có thể khiến các cá nhân đối mặt nguy cơ mắc các bệnh, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, giáo dục và thu nhập của họ. Chủ đề này nhắc nhở chúng ta phải xem xét khi giải quyết các bất bình đẳng về rửa tay, giải quyết sự chênh lệch về thói quen rửa tay với xà phòng đối với các vùng miền, dân tộc, chú trọng tới người khuyết tật, phụ nữ và các em gái, nhân viên y tế./

Phương Anh