Tháng 8, các đơn vị chức năng trong ngành Y tế đã phối hợp với đơn vị truyền thông các cấp tuyên truyền trên Đài Truyền hình, Truyền thanh các cấp được gần 1,3 nghìn lượt; tổ chức 56 buổi nói chuyện, tập huấn công tác bảo đảm ATTP với gần 1,2 nghìn lượt người tham gia; sử dụng hơn 300 sản phẩm tuyên truyền các loại; duy trì thực hiện công khai đường dây nóng về ATTP theo quy định.

Theo đó, tại các cấp thành lập 250 đoàn/tổ kiểm tra về ATTP. Qua tiến hành thanh tra, kiểm tra 133 cơ sở thực phẩm cho thấy, tỷ lệ cơ sở đạt vệ sinh chiếm 77,4%. Trong đó: Tuyến xã, phường, thị trấn kiểm tra 27 cơ sở, phát hiện 6 cơ sở có vi phạm; tuyến huyện, thành phố kiểm tra 103 cơ sở, phát hiện 21 (20,4%) cơ sở vi phạm; tuyến tỉnh kiểm tra 3 cơ sở, phát hiện cả 3 cơ sở vi phạm.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là do cơ sở thực phẩm có điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị không đạt quy định; người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được xác nhận kiến thức về ATTP theo quy định. Qua kiểm tra, nhắc nhở khắc phục 30 cơ sở có vi phạm về ATTP.

Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được các đơn vị trong ngành chủ động triển khai. Trong tháng 8/2018, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, tại Báo cáo 262/BC-SYT, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Trần Văn Sinh cho biết, ngành Y tế tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 22/KH-SYT ngày 9/2/2018 của Sở Y tế về việc triển khai công tác quản lý Nhà nước về ATTP năm 2018. Triển khai tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2018; triển khai giám sát hướng dẫn ATTP 2018 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn khu, cụm công nghiệp do tỉnh quản lý theo kế hoạch. Duy trì, củng cố hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm và ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm tại các tuyến; phát hiện sớm, can thiệp kịp thời khi có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra; duy trì việc công khai đường dây nóng về ATTP.

Hoàng Long