Những năm qua, nền y học Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, từ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ y sỹ, bác sỹ, đặc biệt là nghiên cứu, áp dụng thành công những tiến bộ khoa học hiện đại vào thực tế điều trị. Dấu ấn của những tiến bộ kỹ thuật mới này là sự tâm huyết, sáng tạo và những nỗ lực vượt qua khó khăn của các y, bác sỹ Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thành tựu mà ngành Y tế đạt được hôm nay luôn là sự kế thừa và kết quả từ sự đầu tư và hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó Bộ Y tế giữ vai trò đầu tàu trong chỉ đạo và điều hành.

Khẳng định làm chủ công nghệ

Năm 2018 đã khép lại với nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y tế. Ở mảng khoa học và ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại, có thể nêu những thành tựu nổi bật như: Việt Nam tiếp tục được công nhận là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin, tự nghiên cứu sản xuất vắc xin; đánh dấu tiếp một vắc xin được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa như vắc xin cúm mùa 3 type. Ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây.

Cùng với đó, chúng ta cũng tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc, năm 2018 thực hiện thành công ghép phổi; Tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học Việt Nam đạt tầm thế giới (can thiệp mạch, phẫu thuật nội soi, hỗ trợ sinh sản); Thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương - khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu.

Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, có thể điểm ra những thành tựu nổi bật như củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh từ Trung ương đến xã với hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.000 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm.

“Các trung tâm y tế chuyên sâu đang được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, nhiều kỹ thuật về chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực, như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, trong đó đã ghép tim thành công. Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu…”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm.

Lấy người dân làm trung tâm

Năm 2018, cùng với việc hình thành và phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu, ngành Y tế khánh thành đưa vào sử dụng, khởi công nhiều công trình y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc.

Bên cạnh đó, mô hình bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến, đạt từ 65 - 100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh.

Thống kê cho thấy, hiện đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 127 bệnh viện vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

“Có thể nói, những kết quả của đề án bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Năm 2018, ngoài các lĩnh vực trên, ngành Dược cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh sản xuất thuốc, vắc xin sản xuất trong nước.

Thực hiện các nghị quyết Trung ương về y tế, hệ thống chính sách, pháp luật y tế ngày càng được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp; nhân lực tăng nhanh; chất lượng dịch vụ được nâng lên; ngăn chặn kịp thời các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn; tài chính y tế có nhiều đổi mới đột phá; bao phủ bảo hiểm y tế được mở rộng. 

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bước vào năm 2019, ngành Y tế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai các đề án, chính sách vĩ mô theo chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 19, 20-NQ/TW Khóa XII về công tác y tế, dân số và Quyết định 2348 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy hoạch lại mạng lưới cơ sở y tế, sắp xếp các đơn vị y tế công lập theo hướng tinh gọn đầu mối, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính phù hợp; quyết tâm hoàn thiện mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, lấy người dân làm trung tâm, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án ODA đã được cam kết và dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ.

Phương Anh