Thống kê của WHO cho thấy, mỗi năm thuốc lá gây ra trên 7 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người mỗi năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển. Nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện thì trong thế kỷ này sử dụng thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người.

Tại Việt Nam, theo điều tra hút thuốc ở người trưởng thành (GATS) 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam là 45,3%, nữ giới là 1,1%. Trung bình cứ  2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc. 15,6 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi hiện đang hút thuốc lá và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về số người hút thuốc lá cao nhất.

Đặc biệt, kết quả điều tra cũng chỉ ra, 28,5 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong nhà. 5,9 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc.

Đánh giá của các chuyên gia y tế cho thấy, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Thuốc lá còn là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm.

Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Trong số 7,1 triệu ca tử vong do thuốc lá thì có 890.000 ca gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.

Ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới hút thuốc lá là thói quen của nam giới, chính vì điều đó làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động.

Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp. Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30% so với những người không hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ… Bên cạnh đó, nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc. Hút thuốc thụ động còn được biết đến là một nguyên nhân làm thai chết lưu và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 - 400gram.

Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Theo khuyến cáo của WHO, một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc lá đối với những người không hút thuốc lá là xây dựng các mô hình không thuốc lá như mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng… không khói thuốc. Đây là một phần quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc lá, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Tại Việt Nam, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, để giảm thiểu tác hại của việc hút thuốc thụ động, trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng trong nhà của khách sạn, nhà hàng, các nơi làm việc, cơ sở y tế, bến tàu, bến xe và nhân rộng các mô hình không khói thuốc.

PV