Theo đánh giá của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, thời gian tới, diễn biến dịch Covid -19 tiếp tục phức tạp. Tại Việt Nam, số ca nhiễm Covid-19 có thể tiếp tục năng lên. Để kiểm soát tốt và chặn đứng dịch bệnh, từ ngày 10/3 sẽ thực hiện khai báo y tế toàn dân.

Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, các đơn vị công nghệ thông tin đã khẩn trương hoàn thiện ứng dụng thông tin khai báo y tế toàn dân trên thiết bị di động thông minh, thực hiện từ 10/3/2020.

Theo đại diện Bộ Y tế, thông tin khai báo y tế của người dân “chỉ sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác và tự xóa sau khi kết thúc hoạt động phòng, chống dịch Covid-19”.

Việc khai báo y tế toàn dân sẽ được thực hiện trên phần mềm (app). Người dân sẽ cài đặt phần mềm này trên điện thoại và cung cấp các thông tin cá nhân theo hệ thống phần mềm yêu cầu.

Thông tin khai báo y tế về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe (bệnh mãn tính/có hay không), có biểu hiện ho, sốt, khó thở... Cùng đó, một số thông tin dịch tễ như tình trạng tiếp xúc với người có nghi mắc/mắc Covid-19; việc đi/về nhập cảnh từ vùng có dịch... Việc khai báo y tế này thực hiện với tất cả người dân trong nước, tương tự như áp dụng tờ khai y tế điện tử với các khách nhập cảnh đến/về từ tất cả các quốc gia. 

Thông tin khai báo y tế lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch.

Từ các thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết.

Hiện Ban Chỉ đạo quốc gia đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu triển khai ứng dụng, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng. Đáng chú ý, trong mẫu khai báo cũng bổ sung “trách nhiệm của người khai trước pháp luật đối với những thông tin do bản thân khai”.

Đồng thời khuyến cáo người dân việc khai báo y tế là phục vụ phòng, chống dịch, đòi hỏi sự tự giác, sự vào cuộc của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Việc làm này nhằm giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời trong trường hợp có ca bệnh, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Do vậy, mỗi người dân sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo. Nếu khai báo không trung thực ảnh hưởng đến phòng, chống dịch sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đến 18giờ ngày 9/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 31 ca dương tính với Covid-19, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi, 15 ca mới đang được cách ly, điều trị gồm có: - 1 phụ nữ, 26 tuổi, tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020 (Bệnh nhân 17). - 1 nam giới, 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020 (Bệnh nhân 18). - 2 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 17 đã xác định nhiễm COVID-19 ngày 6/3 (Bệnh nhân 19, bệnh nhân 20). - 1 nam giới, 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với bệnh nhân 17 (Bệnh nhân 21). - 10 người là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay với bệnh nhân 17 từ Anh về Việt Nam (từ Bệnh nhân 22 đến Bệnh nhân 31).

Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP Hồ Chí Minh (3); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (4); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (4); Lào Cai (2); Đà Nẵng (2); Huế (1), Quảng Nam (1). Số ca xét nghiệm COVID-19 âm tính: 2.138 trường hợp.

Phương Anh