HS đủ 06 tuổi và có ngày sinh trước 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị từ ngày 01/10 của năm đó. Có ngày sinh sau 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị sau tháng sinh nhật.

Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.

HSSV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.

Đối với HSSV thường trú, tạm trú có thời hạn trên địa bàn quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến Trung ương khi các cơ sở khám chữa bệnh này đáp ứng được nhu cầu đăng ký khám chữa bệnh ban đầu sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh và Giám đốc Sở Y tế.

Để được hưởng quyền lợi, khi đi khám chữa bệnh, HSSV phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ gồm có: Thẻ BHYT còn hạn sử dụng và một trong các giấy tờ có ảnh như Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Thẻ Đoàn viên, Giấy phép lái xe…

Riêng HS chưa có giấy tờ tùy thân thì sử dụng Thẻ học sinh hoặc giấy xác nhận của công an xã/phường nơi cư trú.

Ngoài ra, trường hợp trong thời gian chờ cấp lại, đổi thẻ BHYT thì phải xuất trình thêm giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT; chuyển tuyến khám chữa bệnh thì có thêm Giấy chuyển tuyến.

Trường hợp đi học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú thì phải xuất trình thêm bản chính hoặc bản sao quyết định cử đi học, giấy đăng ký tạm trú và được khám chữa bệnh tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

“Nếu cấp cứu, HSSV xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện”, BHXH Việt Nam hướng dẫn.

Với tấm thẻ BHYT, các em HSSV không may bị ốm đau, bệnh tật phải đến bệnh viện sẽ giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình.

Theo BHXH Việt Nam, riêng năm học 2017-2018, Quỹ BHYT cũng đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho 237 trường hợp HSSV với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên.

Đặc biệt, trong đó, có 1 HS tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng mắc bệnh giảm tiểu cầu đã được Quỹ BHYT chi trả 05 đợt điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương với tổng số tiền lên tới 1,8 tỷ đồng.

Hiện nay, theo quy định, HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhà trường, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại.

Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Nếu năm học 2010 - 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT thì đến năm học 2017 - 2018, tỉ lệ này đã đạt khoảng 93,5%, tương ứng khoảng 16,5 triệu em.

Năm học 2018 - 2019, kỳ vọng tỉ lệ HSSV tham gia BHYT sẽ tiến sát mốc 100%.

Trần Kiên