Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, 20 năm qua, EU đã đồng hành cùng y tế Việt Nam, với những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của EU đã tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các mục tiêu chiến lược ngành về phát triển bền vững; thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân; cải thiện năng lực, đảm bảo chất lượng dịch vụ ở tất cả các tuyến, xây dựng chính sách và kế hoạch hành động ngành Y tế giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, Chương trình Hỗ trợ ngân sách ngành Y tế được EU triển khai từ năm 2011, đến nay đã được 2 giai đoạn, với tổng kinh phí tài trợ lên tới 3.500 tỷ đồng.

Chương trình tập trung hỗ trợ cho các tỉnh và huyện nghèo nhất, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hướng tới các mục tiêu như tăng cường độ bao phủ thẻ BHYT, đào tạo các cán bộ y tế (gồm bác sĩ, y tá, hộ sinh và cô đỡ thôn bản), sửa chữa nâng cấp bệnh viện và các trạm y tế xã, cung cấp các thiết bị y tế cơ bản, chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn dịch vụ lâm sàng và cải thiện quản lý chất lượng bệnh viện.

Kết quả cho thấy, đến nay hầu hết người cận nghèo đã tham gia BHYT, tỷ lệ tham gia BHYT không chỉ duy trì bền vững mà ngày càng tăng, đạt 88,1%.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân ở tuyến cơ sở đã tăng lên. EU đã hỗ trợ để nâng cao chất lượng dịch vụ: Hơn 1.400 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo 395 trạm y tế xã vùng khó khăn; cung cấp trang thiết bị y tế cho trạm y tế và bệnh viện huyện, đào tạo cán bộ y tế. Tạo điều kiện để xây dựng và thực hiện mạng lưới bệnh viện vệ tinh, góp phần giảm quá tải bệnh viện; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…

Nhân dịp này, Bộ Y tế đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ ngành Y tế thực hiện giai đoạn 3 của Chương trình Hỗ trợ chính sách ngành Y tế: Viện trợ 200 triệu euro không hoàn lại để thực hiện mục tiêu đổi mới hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, tập trung hỗ trợ tài chính cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng thời tiếp tục giúp Việt Nam củng cố và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em... 

N.N