100% số quận, huyện có trường hợp mắc sốt xuất huyết

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.399 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện, 351/584 (chiếm 60%) xã, phường. Hiện tại còn 226/2.399 bệnh nhân đang điều trị (chiếm 9%), 2.173/2.399 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 91%). Không có tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết.

Một số quận, huyện có số mắc cộng dồn cao như: Hà Đông (367); Nam Từ Liêm (210); Cầu Giấy (191); Đống Đa (181); Thường Tín (176); Thanh Oai (171); Hoàng Mai (145); Bắc Từ Liêm (141); Thanh Trì (118); Hoài Đức (114).

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã tổ chức 1.128 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. 2.631.361/2.764.177 lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy (đạt 95,2%); 17.470/17.981 khu vực khác được kiểm tra (đạt 97,2%). Kiểm tra 4.824.690 dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, công trường.

111 chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng, chống sốt xuất huyết đã được tổ chức tại các xã, phường có nguy cơ cao của 13 quận, huyện. Tổng số lượt hộ được khoanh vùng trong khu vực nguy cơ là 168.306 hộ, trong đó 144.871 hộ được phun hóa chất, đạt 86,1%. Số công trường xây dựng được phun hóa chất là 195; số khu vực khác (cơ quan, trường học, khu công cộng,…) được phun hóa chất là 1.151 đơn vị. Tỷ lệ phun ở một số quận, huyện như sau: Cầu Giấy (80%), Đống Đa (79%), Hà Đông (86%), Thanh Oai (96%), Hoàng Mai (75%), Ứng Hòa (90%), Thanh Xuân (91%), Thạch Thất (99%), Chương Mỹ (98%). Các chiến dịch đã sử dụng hết 1.256 lít hóa chất Hantox-200.

Mặc dù ngành y tế Hà Nội đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường bởi các yếu tố nguy cơ như nhiệt độ thích hợp cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển; nguồn ổ bọ gậy rất đa dạng từ bể hở, xô chậu đựng nước, phế liệu, phế thải…; dân cư di biến động lớn, đặc biệt là học sinh, sinh viên từ các tỉnh, thành phố đang trở về Hà Nội để bước vào năm học mới; thực hành phòng, chống sốt xuất huyết của người dân còn hạn chế; sự lưu hành của typ D4 (typ ít gặp ở Hà Nội) tại nhiều xã, phường.

Người dân cần chủ động phòng, chống dịch

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội TS Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội đang vào mùa mưa, nước đọng tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng nên dịch bệnh phát sinh nhiều nơi. Số ca mắc rải rác từ tháng 1, có xu hướng tăng từ tháng 6 và tăng nhanh từ tháng 7. Thời gian tới, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức 25 đến 34 độ, dự báo có mưa nhiều ngày trong tuần. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sớm; tổ chức ký cam kết về phòng, chống sốt xuất huyết giữa Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã; chỉ đạo xây dựng màng lưới cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết và đội xung kích diệt bọ gậy; xây dựng đề án phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện.

Đặc biệt, hàng tuần, Sở Y tế Hà Nội có công văn cảnh báo về sốt xuất huyết gửi UBND các quận, huyện. Về công tác chuyên môn, ngành y tế đã chủ động giám sát bệnh nhân tại 63 bệnh được phân cấp, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc tơ truyền bệnh như điều tra ổ bọ gậy nguồn, giám sát tính nhạy cảm của muỗi với hóa chất diệt…

Cùng với đó, ngành y tế Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết để phù hợp với từng địa phương như qua hệ thống loa truyền thanh, loa di động, băng rôn, khẩu hiệu… nhất là đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các cấp chính quyền.

Công tác xử lý ổ dịch cũng được triển khai đồng bộ từ giám sát phát hiện ca bệnh, truyền thông, diệt bọ gậy và phun hóa chất.

Mỗi quận, huyện Hà Nội được trang bị 2 máy chuyên dụng phun hóa chất diệt muỗi: Một loại đeo vai phun thuốc tại khu dân cư và nhà dân; một loại máy công suất lớn phun tại những nơi có không gian lớn, cây cối rậm rạp, nhà để xe.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống dịch; tích cực tuyên truyền để người dân hợp tác với ngành y tế cũng như chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết; chuẩn bị đủ máy phun, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch.

Tăng cường giám sát diễn biến dịch bệnh trên bệnh nhân, côn trùng và vi rút Dengue để nhận định, dự báo và đáp ứng phòng, chống dịch. Tổ chức xử lý quyết liệt, triệt để ổ dịch, không để ổ dịch kéo dài, với việc phun hóa chất, ưu tiên phun bằng máy phun mù nóng tại công trường xây dựng, trường học, khu thuê trọ, chợ dân sinh.

Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu giám đốc các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Sở Y tế tiếp tục có cảnh báo hàng tuần về sốt xuất huyết gửi các quận, huyện có số mắc nhiều để cấp ủy, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ kiểm tra các quận, huyện, xã, phường nhiều bệnh nhân, có ổ dịch kéo dài; trung tâm y tế quận, huyện tham mưu với UBND tổ chức liên ngành kiểm tra tại các công trường xây dựng, chợ, trường học, khu công cộng, khu thuê trọ.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho trung tâm y tế 14 quận, huyện dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp nghiên cứu thành lập 2 đội đặc nhiệm/đơn vị, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ.

“Lực lượng này có nhiệm vụ xuống xã, phường hỗ trợ và kiểm tra xem cơ sở đã triển khai công tác phòng, chống dịch như thế nào, đã đúng chưa và cần phải rút kinh nghiệm cái gì”, TS Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Hà Nội tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y, dược tư nhân

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 30/6, tổng số cơ sở hành nghề y ngoài công lập trên địa bàn thành phố là 3.788 cơ sở khám chữa bệnh, 7.728 cơ sở hành nghề dược. Các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đã đồng hành cùng với ngành y tế Hà Nội thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Trong số 3.788 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập có 38 bệnh viện với 1.435 giường bệnh, 170 phòng khám đa khoa, 725 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, 2.855 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Trong lĩnh vực dược có 7.728 cơ sở với 1.165 công ty, 3.880 nhà thuốc, 2.530 quầy thuốc và 153 cơ sở kinh doanh dược với các hình thức tổ chức khác.

Trong thời gian qua, Sở Y tế đã chú trọng công tác quản lý Nhà nước, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cải cách thủ tục hành chính, quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với cấp cơ sở, tuy nhiên số lượng cơ sở hành nghề rất lớn mà lực lượng quản lý thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn khách quan, trong quá trình thực hiện các quy định của luật, nghị định, thông tư, Sở Y tế phải thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn bổ sung của Bộ Y tế.

Đối với tổ chức, công dân cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các quy định mới khi lần lượt các năm 2016, 2017, 2018 Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị định mới liên quan đến hoạt động hành nghề y, dược có nhiều nội dung thay đổi tác động đến điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động.

Sở Y tế đã tập huấn, hướng dẫn bằng nhiều văn bản nhưng cá nhân, tổ chức hành nghề chưa chủ động nghiên cứu và cập nhật văn bản mới.

Do đó, trong thời gian tới, Sở Y tế cần tăng cường tham mưu giải pháp cho thành phố để quản lý lĩnh vực này đi vào nền nếp, đặc biệt là vấn đề phân cấp đối với quận, huyện, xã, phường cho phù hợp với thực tế của Thủ đô.

PV

Lê Phương