Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, nếu như năm 2017 là năm đỉnh điểm về dịch bệnh SXH trên địa bàn Hà Nội với số ca mắc lên tới hơn 37 nghìn trường hợp, thì từ đầu năm 2018 đến nay, số ca mắc đã giảm hơn 90%.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, vào những tháng cuối năm, thời tiết lạnh, độ ẩm cao cũng là thời điểm nhiều dịch bệnh xuất hiện trở lại. Các yếu tố có nguy cơ như: Ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư đông, nhiều khu nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện vệ sinh, ăn ở tạm bợ, tồn đọng nơi muỗi đẻ trứng… Thêm vào đó, theo chu kỳ dịch 4 năm/lần, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức cách ly, khoanh vùng kịp thời người mắc bệnh. Phối hợp với trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện từ tuyến Trung ương, bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân, tần suất giám sát 3-4 lần/tuần để phát hiện sớm ca bệnh.

Các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp như: Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh môi trường và xử lý khử trùng vật dụng sinh hoạt; diệt lăng quăng, bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước; thực hiện tốt việc ăn sạch, uống sạch; đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Là quận trung tâm của Thủ đô với dân số trung bình khoảng 307.500 người, trên địa bàn quận Cầu Giấy có nhiều thành phần dân cư đa dạng, đặc biệt là khu vực tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề của TP nên dễ nảy sinh nhiều phức tạp về mô hình bệnh dịch.

Trong 10 tháng đầu năm, toàn quận ghi nhận gần 140 ca SXH, 39 ca tay chân miệng, 12 ca sởi… 8 phường trên địa bàn quận đã thành lập mạng lưới 834 cộng tác viên SXH, chủ động triển khai công tác giám sát côn trùng truyền bệnh.

Đối với công tác xử lý dịch, các phường trên địa bàn quận đã tổ chức 16 chiến dịch vệ sinh môi trường với số người tham gia là 1.353 người, kiểm tra 19.161 dụng cụ chứa nước, trong đó xử lý 4.832 dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả 843 con cá diệt bọ gậy. Trong công tác tuyên truyền, trung tâm đã phát 8.703 tờ rơi về các biện pháp phòng, chống SXH cho người dân tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trạm y tế các phường tổ chức đợt cao điểm “Vệ sinh môi trường - khử khuẩn chủ động phòng, chống tay chân miệng” tại các cơ sở giáo dục. 156 cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo được hướng dẫn tiến hành khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường. Các ổ dịch tay chân miệng đều được phát hiện, khoanh vùng, giám sát và xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát…

Phun hóa chất diệt muỗi là một trong những biện pháp thường xuyên được các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội triển khai thực hiện

 

Tại quận Hai Bà Trưng, để chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, UBND quận đã đề nghị các phường, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị không chủ quan, lơ là, chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Ban chỉ đạo các phường quan tâm chỉ đạo các khu dân cư triển khai hiệu quả, đồng loạt, duy trì “Ngày thứ bảy xanh”, tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải, rác thải, lật úp các dụng cụ chứa nước, phát quang bụi rậm... chủ động diệt bọ gậy, phòng, chống dịch, phòng, chống SXH, xây dựng môi trường sống sạch.

Quận cũng đã làm việc với các cơ quan, đơn vị, các trường đại học, đặc biệt là chủ các công trình xây dựng, khu nhà trọ để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch cũ, không để dịch lan rộng, không để xảy ra tử vong vì dịch. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại quận Nam Từ Liêm, tính đến nay, trên địa bàn quận đã có 110 ca mắc bệnh SXH, 100 ca mắc tay chân miệng, 110 ca thủy đậu, 28 ca sởi, 48 ca mắc các bệnh quai bị, ho gà, sốt phát ban và cúm A. Ghi nhận 9 ổ dịch SXH (trong đó 6 ổ dịch đã kết thúc, 3 ổ dịch đang hoạt động), 4 ổ dịch tay chân miệng cộng đồng, 1 ổ dịch sởi, 7 chùm ca bệnh thủy đậu, tất cả các ổ dịch đã kết thúc.

Để tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể, UBND các phường đã triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Trong 10 tháng đầu năm, quận đã thực hiện 10 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, kiểm tra 45.561 hộ, đạt 96%, kiểm tra 41.478 dụng cụ chứa nước, trong đó có 2.778 dụng cụ chứa nước có bọ gậy đã được xử lí, thả 766 con cá diệt bọ gậy, phát 3.989 tờ rơi phòng, chống SXH.

Quận đã tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng, duy trì hoạt động của các cộng tác viên phối hợp với các thành viên ban chỉ đạo, y tế phường thường xuyên giám sát các ổ dịch đang hoạt động, tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu diệt bọ gậy phòng, chống dịch bệnh trên toàn địa bàn phường, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống SXH.

Còn tại huyện Quốc Oai, tính đến nay, toàn huyện ghi nhận 6 trường hợp mắc SXH (cùng kỳ năm 2017 là 330 trường hợp), 1 ca ho gà, 2 ca sốt phát ban, 6 ca quai bị, 19 ca mắc thủy đậu, 19 ca mắc tay chân miệng...

Nhìn chung, số ca mắc đều giảm so với cùng kỳ năm 2017. Các dịch bệnh khác như uốn ván người lớn, dại, liên cầu lợn, viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản không ghi nhận ca mắc.

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động phòng, chống dịch tại 21/21 xã, thị trấn. Tham mưu cho UBND huyện Quốc Oai tổ chức ký cam kết phòng, chống dịch bệnh và phát động các chiến dịch: Tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, truyền thông phòng, chống dịch tại toàn bộ 21 xã, thị trấn.

Phun mù nóng phòng, chống dịch bệnh SXH

 

Tại huyện Thanh Trì, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đồng loạt thực hiện công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chủ động phòng, chống SXH đợt 7 năm 2018.

Toàn huyện đã huy động 1.580 lượt người tham gia thực hiện chiến dịch. Các cộng tác viên phòng, chống SXH đã kiểm tra trực tiếp được 68.975/72.331 hộ gia đình, 27/30 công trường xây dựng, 202/207 cơ quan, đơn vị, trường học, 298/305 khu công cộng.

Kiểm tra được 204.318 dụng cụ chứa nước, phát hiện 4.035 dụng cụ chứa nước có bọ gậy; đã thả 9.800 con cá và sử dụng 402 lọ hóa chất Abate để diệt bọ gậy, phát 29.927 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống SXH. Trung tâm Y tế huyện tổ chức phun hóa chất diện rộng diệt muỗi, phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực ổ dịch 2 lần đảm bảo đúng quy định. 

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống các bệnh truyền nhiễm được tăng cường trên hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn với hơn 400 lượt phát thanh. Trung tâm Y tế phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức truyền thông về phòng, chống dịch bệnh cho 40 cán bộ tư pháp các xã, thị trấn. Phối hợp với Chi bộ thôn 1, xã Đông Mỹ tuyên truyền về tình hình dịch SXH và các biện pháp phòng, chống cho 60 đảng viên.

Chiến dịch hướng đến trên 95% hộ gia đình, cơ quan, công trình công cộng, công trình xây dựng trên địa bàn huyện thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy; 100% hộ gia đình, cơ quan, công trình công cộng, công trình xây dựng trong khu vực có bệnh nhân, ổ dịch SXH được làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…

Lê Phương