Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng Hà Nội, TS.Nguyễn Nhật Cảm cho biết, năm 2017, số mắc bệnh sởi trên địa bàn TP có xu hướng gia tăng so với 2 năm trước. Số ca mắc tăng 61 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016 và chưa ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng. Số mắc rải rác ở 25 quận, huyện và 56 xã, phường. Riêng số ca mắc trong tháng 10 chiếm 46% số mắc từ đầu năm. Có đến 30% trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi và đây cũng là đối tượng chưa đến tuổi tiêm chủng.

Theo điều tra của TTYT Dự phòng Hà Nội, khoảng 48% số trẻ mắc sởi có tiền sử đi khám hoặc điều trị tại các bệnh viện trong vòng 3 tuần trước khi khởi phát bệnh. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch do bị ốm trước ngày tiêm chủng hoặc mắc bệnh lý bẩm sinh không đảm bảo sức khỏe.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lê Hoàng Ngân, Phó Giám đốc TTYT quận Đống Đa cho biết, tính đến ngày 15/11, quận Đống Đa có 5 trường hợp mắc sởi và cả 5 trẻ này đều chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng, chống bệnh sởi. Cụ thể, 1 trẻ mắc bệnh ở 8 tháng tuổi khi chưa đến tuổi tiêm, 2 trường hợp đến lịch tiêm nhưng hoãn tiêm do ốm, 2 trường hợp từ 12 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm đủ mũi.

Từ thực tế tình hình dịch bệnh nói trên, theo các chuyên gia y tế của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng, để phòng, chống dịch bệnh sởi tại Hà Nội trong thời điểm này, biện pháp quan trọng nhất là tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm vắc xin; tiêm chủng hàng tuần để tăng cường tiếp cận cho trẻ bị hoãn tiêm do ốm.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của vắc xin, trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi; người lớn, người nhà có trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ trước khi mang thai chủ động tiêm chủng để bảo vệ bản thân và tăng kháng thể cho con sau khi sinh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, hiện nay, số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính với sởi tăng nhiều so với cùng kỳ 2016. Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị TTYT các quận, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác tiêm chủng tại thời điểm này. Tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế tăng từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần để phòng trừ trường hợp trẻ đến lịch nhưng phải hoãn vì ốm sẽ được tiêm bổ sung ngay tuần sau, giảm tình trạng quá tải tại các điểm tiêm vào ngày 4,5 hàng tháng như trước đó.

Tại các bệnh viện cũng tăng cường công tác giám sát, phân luồng bệnh nhân nghi sởi khi đến khám. Bên cạnh đó, chú trọng tới công tác cách ly người bệnh tại cộng đồng và trong điều trị tại bệnh viện tránh lây nhiễm chéo. Tiến hành xử lý triệt để khu vực phát sinh bệnh nhân, ổ dịch theo quy định, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tăng cường công tác tiêm chủng phòng bệnh. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng chống bệnh sởi, ho gà.

Tăng cường tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh, các dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi mắc.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các TTYT quận, huyện rà soát tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật trên địa bàn để xác định trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, xác định số người có nguy cơ mắc sởi ở những nơi này (người chưa mắc bệnh, chưa đến tuổi tiêm chủng, chưa tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiền sử tiêm chủng không rõ ràng) để tổ chức tiêm vét vắc xin trong tháng 12/2017.

Lê Phương