Tại Hà Nội, 4 TYT được chọn thí điểm gồm: TYT xã Minh Châu huyện Ba Vì (vùng 3), TYT xã Tân Hội huyện Đan Phượng (vùng 2), TYT phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (vùng 1), TYT phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (vùng 1).

Tham gia vào đề án, các TYT được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, được các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện thành phố hỗ trợ chuyên môn, được phê duyệt danh mục kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định, tăng số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh tại trạm.

Các TYT đã nâng cao được năng lực khám chữa bệnh của các TYT theo nguyên lý y học gia đình. Thu hút số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại TYT nhiều hơn, bệnh nhân tin tưởng hơn về chuyên môn của TYT. Bước đầu quản lý được hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường. Giảm chi phí khám chữa bệnh cho người dân đến khám tại TYT điểm.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ TYT; phối hợp với các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện E, Châm cứu Trung ương, Nội tiết Trung ương, Thanh Nhàn, Tim Hà Nội hỗ trợ các TYT.

Bên cạnh đó, cũng theo TS Nguyễn Khắc Hiền, ngoài việc thu hút bác sĩ về công tác tại TYT, ngành y tế Hà Nội cũng cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở.

Trước đây, người dân thường có tâm lý không muốn khám tại TYT vì lo ngại chất lượng KCB không đảm bảo, nhưng sau khi TYT được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt có các bác sĩ tuyến Trung ương về hỗ trợ, họ đã dần thay đổi thái độ và dần gửi niềm tin vào tuyến cơ sở.

Tại TYT xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) từ khi triển khai mô hình điểm đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám tăng gấp đôi, trung bình mỗi ngày có khoảng 50-60 lượt bệnh nhân, trong khi trước đó chỉ có 25-30 lượt.

Lê Phương