Từ cuối tháng 12/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch ngay từ đầu năm như tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hiểu biết của người dân về dịch bệnh và cách phòng tránh. 

Ngành Y tế đã triển khai gần 700 điểm giám sát, trong đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm; tổ chức tốt hệ thống tiêm chủng để phòng 10 bệnh ở trẻ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, máy để xử lý dịch, ngăn chặn không để dịch kéo dài. Đồng thời, phối hợp với các ngành giáo dục, tài nguyên môi trường chủ động phòng chống bệnh do muỗi truyền và phối hợp với các ngành khác để chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. 

Với dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao, TTYT Dự phòng Hà Nội triển khai kiểm dịch y tế quốc tế tại Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài để phát hiện sớm bệnh nhân xâm nhập từ nước ngoài vào; giám sát tại cộng đồng và tại cơ sở y tế qua những trường hợp viêm phổi nặng để phát hiện sớm những trường hợp nhiễm cúm gia cầm độc lực cao; phát triển các xét nghiệm để phát hiện sớm. Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để giám sát ngay từ khi dịch ở trên gia cầm để phát hiện sớm những bệnh nhân đầu tiên mắc cúm, điều trị tích cực để giảm tử vong và không để lây lan thành dịch.

TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, theo thống kê của ngành Y tế, số mắc cúm mùa từ đầu năm đến nay không tăng so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, một số nơi số mắc bệnh có chiều hướng tăng hơn so với khu vực khác.

Để chủ động phòng, chống, TTYT Dự phòng Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tăng cường truyền thông bằng những biện pháp phòng bệnh cũng như khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nặng thì đến ngay các cơ sở y tế. 

Đặc biệt trong trường học, Trung tâm phối hợp với ngành Giáo dục phát hiện sớm những trường hợp đầu tiên để cách ly. Khuyến khích đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc gần. Với những chùm ca bệnh phải được bao vây, khoanh vùng, xử lý ngay để không lây lan thành những ổ dịch lớn hơn; giám sát chặt chẽ tình hình dịch trong khu vực và trên thế giới và trong nước để kịp thời đề xuất những biện pháp phòng chống khi dịch có dấu hiệu bất thường. 

Cũng theo TS Nguyễn Nhật Cảm, biện pháp phòng chống dịch lâu dài và hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh với những bệnh có vắc xin phòng. Ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chú ý tiêm chủng vắc xin phòng 10 bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ đạt trên 95%.

TTYT Dự phòng Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện điều tra điểm nguy cơ để chủ động biện pháp phòng chống; hướng dẫn người dân các biện pháp diệt bọ gậy và diệt muỗi. Khi có ổ dịch, phối hợp với chính quyền cùng với người dân triển khai ngay việc diệt bọ gậy và phun hóa chất để dập dịch; sẵn sàng trang thiết bị, hóa chất để không bị động trong phòng chống dịch sốt xuất huyết nếu dịch có dấu hiệu gia tăng. 

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị đầu ngành như Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Nhiệt đới Trung ương giám sát chiều sâu phát hiện bất thường của tác nhân gây bệnh cũng như là véc tơ truyền bệnh, dấu hiệu của môi trường để đề xuất những biện pháp phòng chống hiệu quả và chủ động.

Chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể liên quan cũng cần phải vào cuộc quyết liệt, đặc biệt người dân cần có thái độ tích cực, đề cao cảnh giác với dịch bệnh để chủ động phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Khi phát hiện mắc bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để có phương pháp điều trị phù hợp; không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

Lê Phương