Là chuyên gia trong lĩnh vực của mình

Mỗi phóng viên cũng có thể được coi là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Song song đó, là sự kết nối chặt chẽ cùng với các thầy thuốc, chuyên gia trong lĩnh vực y tế để có thể tiếp cận nguồn thông tin chính thống, xác thực. Họ chính là cầu nối quan trọng giúp thầy thuốc và cộng đồng gần nhau hơn, giúp người dân nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt đối với công việc của phóng viên y tế là ngoài việc thông tin về tình hình sự kiện, các chính sách y tế hay những phương pháp y học tiên tiến trên thế giới và trong nước, họ còn thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và gia đình người bệnh, sát cánh cùng người dân nâng cao nhận thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, sứ giả mang đến niềm tin và hi vọng cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn… Họ là những phóng viên tiếp xúc nhiều và gần gũi nhất với các bệnh viện, bệnh nhân, là cầu nối để hàng ngày, hàng giờ, từng diễn biến tại các cơ sở khám, chữa bệnh được phản ánh một cách sinh động tới nhân dân trên mặt báo. Và có lẽ cũng vì tiếp xúc hàng ngày như vậy, mỗi phóng viên y tế cũng là những người được chứng kiến, thấu hiểu nhiều nhất người bệnh. 

Đau đáu với nỗi đau của người bệnh

Phóng viên Thu Hương (Báo Quân đội nhân dân) chia sẻ: "Là phóng viên theo Bộ Y tế một thời gian khá dài, được đi nhiều nơi tìm hiểu và viết bài về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là những dịp đến các bệnh viện tác nghiệp, được trực tiếp thấy và cảm nhận nỗi đau của mỗi bệnh nhân và gia đình người bệnh. Phần lớn những câu chuyện tôi gặp đều là những câu chuyện cảm động. Tôi không thể quên cái ôm xiết chặt của những bác sĩ khi mẹ Ngần, người phụ nữ nông thôn lam lũ đã hiến tạng của người con trai chết não để cứu 5 người khác. Bà đâu có được chuẩn bị tâm lý khi người con trai bất ngờ rời bỏ mình. Càng không có tâm lý để hiến tạng của con mình. Thế mà chỉ sau cái nắm tay siết chặt và lời nói của bác sĩ: “Cho đi là còn mãi”, bà đã đặt bút ký tình nguyện hiến tạng của con trai để cứu người. Từ đó, 5 người nhận tạng đã nhận bà làm mẹ, yêu thương, chăm sóc bà như người mẹ thứ 2".

“Chúng tôi đã lặng người khi chứng kiến những em bé đang phải điều trị căn bệnh về máu đeo đẳng suốt quãng đời các em tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tôi suýt khóc khi một cô bé 8 tuổi tâm sự: “Năm nay con được học sinh giỏi nhưng vì con đang ở bệnh viện nên mẹ con đi nhận thay. Sang năm chắc mẹ con cũng nhận thay con vì mẹ con bảo, có thể sang năm con sẽ trở thành “thiên thần”. Mẹ con còn bảo, con cố gắng điều trị thì tóc con sẽ mọc trở lại, con sẽ có 2 bím tóc thật dài và mẹ sẽ mua cho con một chiếc váy trắng thật đẹp”. Nghe lời cô bé, cổ họng tôi như nghẹn lại”, chị Hương tâm sự.

Trong mỗi lần tác nghiệp tại các bệnh viện, bản thân người viết cũng từng gặp và tâm sự với nhiều người bệnh, đủ các thành phần từ bệnh nặng tới nhẹ, từ người bình thường tới người không bình thường. Có những bệnh nhân do điều kiện kinh tế nên không thể ở lại điều trị tiếp. Nhưng có lẽ cảm giác đau lòng nhất vẫn là khi đứng trước bệnh nhân ung thư. Dù y học hiện nay có nhiều tiến bộ, người bệnh nếu được phát hiện sớm thì khả năng cứu chữa sẽ tăng lên, sự sống được kéo dài thêm, nhưng với nhiều người, đây như một án tử khi biết mình mắc bệnh. Dù có vững tâm đến mấy cũng đều bị sốc.

Chính vì những đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau của người bệnh và người nhà bệnh nhân nên nhiều phóng viên y tế đã trở thành những người bạn đồng hành với y bác sĩ và các bệnh viện trong việc vận động, quyên góp giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Được đi, được nghe và tận mắt chứng kiến nên họ thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cảm thông với nỗi đau tận cùng của bệnh nhân, những ngòi bút đồng cảm đã lan tỏa thông tin.

Đại diện nhóm Táo Y tế trao quà cho bệnh nhân. Ảnh: PA

 

Nhóm “Táo Y tế” ở Hà Nội là một minh chứng cho hoạt động hết sức trân trọng này. Nhiều thành viên tích cực trong hoạt động này như nhà báo Kim Xuân (Đài Truyền hình Việt Nam), Liên Châu (Báo Thanh niên), Trung Hiếu (Báo Nhân dân), Ngọc Dung (Báo Người lao động), Hồng Hải (Báo Dân trí), Thái Bình (Báo Sức khỏe & Đời sống), Văn Hải (VOV)… Chỉ cần nhận được thông tin về gia đình bệnh nhân nào không có điều kiện để điều trị tiếp, các anh chị em phóng viên y tế sẵn sàng kêu gọi, huy động, quyên góp, bán hàng gây quỹ… để hỗ trợ bệnh nhân. Dù trị giá mỗi suất quà có thể chưa lớn nhưng với người bệnh nghèo, những tấm lòng thơm thảo của nhóm phóng viên y tế là tình người ấm áp để giúp họ bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống. 

Niềm đam mê với nghề

Mặc dù trải qua không ít khó khăn, vất vả, những ám ảnh khi đi tác nghiệp hay việc đối diện với những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng hầu hết những phóng viên y tế khi được hỏi đều khẳng định họ rất yêu công việc này, vì nó cho họ cơ hội được trải nghiệm tận cùng nỗi đau bệnh tật trong mỗi con người, hay niềm vui sướng tột độ khi bắt gặp nụ cười mãn nguyện của bệnh nhân sau khi chữa lành bệnh.

Chị Đoan Trang, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, dù được lựa chọn công việc một lần nữa tôi vẫn chọn nghề báo. Chị Trang chia sẻ: "Cái duyên đưa đẩy tôi đến với phóng viên mảng y tế cách đây gần 20 năm. Con gái làm báo đã vất vả, là phóng viên y tế còn vất vả hơn, nhưng niềm đam mê nghề nghiệp đã khiến chúng tôi vượt qua mọi sợ hãi, gian truân… Nhớ nhất là khi mới vào nghề. Ngày ấy người ta nói AIDS là một thứ bệnh kinh khủng lắm, vậy mà cánh phóng viên y tế vẫn cứ lăn xả vào phòng bệnh phỏng vấn bệnh nhân. Rồi đến những lần đi thực tế tại các điểm nóng về ma túy, mại dâm, HIV, bất chấp nguy hiểm, các nhà báo xã hội vẫn xông xáo vào lấy thông tin, chụp ảnh, ghi hình… Và khi bài báo phát hành, không chỉ nhận được những lời cám ơn, phóng viên y tế, xã hội còn nhận được vô vàn lá thứ nặc danh với những lời hăm dọa, xúc phạm… Buồn đấy, nhưng niềm vui và cái được cũng rất nhiều. Nghề báo cho chúng tôi thật nhiều trải nghiệm, cảm xúc, và kinh nghiệm thì ngày càng đầy thêm theo năm tháng…".

Theo chị Trang, có vào bệnh viện, chúng ta mới biết quý trọng sức khỏe của mình, có chứng kiến nỗi đau đớn của các bệnh nhân mới thấy mình thật may mắn… Và còn hơn thế nữa, công việc giúp các phóng viên y tế có cái nhìn nhân ái, bao dung hơn vào cuộc đời, vào xã hội cũng như nhận thức được vai trò, ý nghĩa nhân văn vô cùng to lớn của nghề nghiệp…

Cuộc sống luôn có nhiều bộn bề và phức tạp, nhưng những phóng viên y tế vẫn miệt mài, dấn thân không mệt mỏi với công việc. Họ có thể thức trắng đêm cùng với ê kíp bác sĩ cấp cứu người bệnh bị tai nạn, bất chấp nguy hiểm để tìm ra sự thật, cảnh báo những mối nguy hại cho sức khỏe người dân; hay đêm 30 Tết đón giao thừa cùng các bác sĩ trực trong bệnh viện để có bài viết đầy thấu hiểu về những hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế; cùng chung niềm vui với những gia đình và bác sĩ khi chào đón sự ra đời của những em bé trong đêm giao thừa hay những dịp đặc biệt… Chắc chắn, chỉ có trái tim yêu nghề, yêu người mới có thể giúp các nhà báo vượt qua mọi gian khó vì sứ mệnh cao quý “ngòi bút cứu người”.

Phương Anh