Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 1996 đến nay, Bộ Y tế đã có nhiều hợp tác với Trường Đại học Quốc gia Singapore về chuyên môn kỹ thuật trong công tác y tế lao động, tập trung trong các lĩnh vực như nâng cao sức khỏe nơi làm việc, hóa chất và phòng chống điếc nghề nghiệp. Trường Đại học Quốc gia Singapore đã cử nhiều chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế lao động. Đồng thời tích cực hỗ trợ ngành Y tế trong việc đào tạo các thạc sỹ về y học lao động, cũng như các lớp tập huấn ngắn hạn về chuyên ngành y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Để tiếp tục hỗ trợ cho việc hợp tác triển khai công tác y tế lao động Cục Quản lý môi trường y tế (HEMA) đã phối hợp với Quỹ Temasek (TF) và Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock (SSHSPH) xây dựng và triển khai Chương trình Nâng cao năng lực về y tế lao động tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Chương trình được bắt đầu triển khai vào tháng 10/2017 tại 20 bệnh viện các tuyến trung ương, tỉnh, huyện, tập trung vào việc cải thiện năng lực triển khai các hoạt động an toàn vệ sinh lao động toàn diện tại nơi làm việc và năng lực triển khai hoạt động y tế lao động cho cán bộ làm công tác y tế lao động của ngành Y tế và của một số cơ sở lao động tại Việt Nam.

Thông qua các lớp tập huấn, hội nghị và các can thiệp điểm tại 20 bệnh viện, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý, triển khai chương trình y tế lao động cho hơn 300 chuyên gia, cán bộ y tế lao động cấp cao, các cán bộ làm công tác y tế lao động tại các tuyến của Việt Nam, tại các cơ sở y tế và tại một số cơ sở lao động.

Các hoạt động của chương trình tập trung vào nâng cao năng lực chuyên môn về các lĩnh vực: Y tế lao động, đánh giá kiểm soát các yếu tố nguy cơ, giám sát sức khoẻ cho người lao động; Xây dựng, triển khai can thiệp, giám sát các chương trình, dự án về y tế lao động; Triển khai mô hình an toàn vệ sinh lao động toàn diện…

Các hoạt động được triển khai nhiều và hiệu quả tại các bệnh viện như: Khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động tại các cơ sở y tế, quản lý chất thải y tế nguy hại để kiểm soát các bệnh lây nhiễm tại bệnh viện, phòng chống thương tích do vật sắc nhọn, quản lý và duy trì tốt các thiết bị có yêu cầu an toàn vệ sinh lao động nghiêm ngặt tại bệnh viện, an toàn phóng xạ, phòng chống cháy nổ tại cơ sở y tế và các chương trình thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ cho nhân viên y tế…

Theo báo cáo, tính tới tháng 9/2019, có 59,8% người lao động được khám sức khỏe định kỳ. Số nhân viên y tế được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp hơn 3.400 (chiếm 18,4%), tăng 18,2% so với năm 2018.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá, công tác an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế cũng gặp nhiều khó khăn như: Áp lực công việc quá lớn, quá tải bệnh viện, nhiều bệnh lạ mới xuất hiện, nạn bạo hành nhân viên y tế xảy ra ở các bệnh viện từ trung ương tới địa phương,... Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, việc triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp còn rất hạn chế.

Là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với những thách thức như già hóa dân số và gánh nặng bệnh mãn tính trong dân số cũng như đối với người lao động. Thách thức này góp phần làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia. Sức khỏe của người lao động cũng được coi là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng cần được giải quyết trong bối cảnh các thách thức này.

“Việc triển khai dự án tại Việt Nam giúp Bộ Y tế trong việc triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động mới được ban hành, nâng cao năng lực cán bộ trong hệ thống y tế lao động và đem lại lợi ích thiết thực cho các bệnh viện triển khai thí điểm trong công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và điều trị. Các bài học kinh nghiệm của việc triển khai sẽ là cơ sở để Bộ Y tế tiếp tục áp dụng cho các doanh nghiệp của Singapore đang hoạt động tại Việt Nam”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.

Phương Anh