Theo ông Nguyễn Huy Quang, hiện việc quảng bá thuốc lá điện tử đang tràn lan, coi đây như là sản phẩm có lợi, có tác dụng cai nghiện thuốc lá thông thường. Nếu thuốc lá điện tử cứ được quảng cáo gây hiểu lầm nêu trên, một thế hệ trẻ sẽ tiếp tục nghiện các loại thuốc lá điện tử, nguy hại khôn lường với sức khỏe.  Do vậy, Bộ Y tế đang xem xét đề xuất với Chính phủ cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử.

Báo cáo của WHO tại hội thảo cho thấy, tính đến ngày 22/10/2019, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ đã nhận được báo cáo từ 49 bang và 1 lãnh thổ cho thấy có 1.064 ca tổn thương phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới. Các ca tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử tăng lên 39 ca và làm ảnh hưởng sức khỏe của ít nhất 2.051 người. Số liệu thống kê ở một số nước cho thấy đến nay đã có hơn 2.600 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.

Báo cáo của Viện Kiểm soát thuốc lá toàn cầu cho thấy, hiện, hơn 40 quốc gia cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN, gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan.

Theo WHO, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ

Theo WHO, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Các ảnh hưởng của thuốc lá điện tử bao gồm tăng nguy cơ nghiện nicotine với người đã từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây các vụ nổ/bỏng, chấn thương, gãy xương.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết, hiện có hai nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. "Hai nhóm này khác nhau là do thuốc lá điện tử chưa nicotine (không phải là lá thuốc). Còn thuốc lá nung nóng chứa lá thuốc và nicotine và là sản phẩm thuốc lá", ông Lâm thông tin.

Cơ chế hoạt động của thuốc lá điện tử là nung nóng một loại dung dịch chứa nicotine tạo ra khói aerosol người sử dụng hít vào. Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có chất tạo mùi và được pha trong chất Propylene Glycol hoặc Glycerin. Ngoài thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện tử, shisha điện tử.

Còn thuốc lá nung nóng là khi nung sợi thuốc lá tới khoảng 350 độ C bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá, khoảng 600 độ C.

Về nguy hại gây ra do thuốc lá làm nóng, chuyên gia này nhấn mạnh, sản phẩm này chứa nicotine gây nghiện mạnh và rất có hại cho sức khỏe người dùng, đặc biệt trẻ em và phụ nữ có thai.

Khói thuốc lá làm nóng/thuốc nung ngoài gây hại cho người hút còn gây nhiều tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động.

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế cũng khẳng định, chưa có bằng chứng quốc tế về công dụng cai nghiện thuốc lá thông thường của thuốc lá điện tử. Với đa số người hút thuốc, việc sử dụng thuốc lá điện tử sẽ chỉ làm giảm việc hút thuốc chứ không khiến họ bỏ thuốc hẳn. Điều này sẽ dẫn đến việc người hút sử dụng đồng thời cả thuốc lá thường và thuốc lá điện tủ. 

WHO cũng khuyến cáo không sử dụng thuốc lá điện tủ làm phương tiện cai thuốc và các cơ quan chức năng nên có khuyến cáo cấm hoặc kiểm soát thuốc lá điện tử.

Phương Anh