Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm qua, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm nói chung, phòng chống dịch bệnh nói riêng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. 

Việt Nam đã thanh toán được các bệnh như đậu mùa, bại liệt. Nhiều bệnh đã loại trừ và khống chế như bệnh uốn ván sơ sinh, giun chỉ bạch huyết, giảm các bệnh lây nhiễm HIV/AIDS… tỷ lệ chết/mắc một số bệnh truyền nhiễm là rất thấp so với cả nước và trong khu vực, trên thế giới như tay chân miệng, cúm, sốt xuất huyết, cúm A (H5N1).

Tuy nhiên, theo ông Phu, hiện nay, các bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và tại nước ta. Nguyên nhân là do sự giao lưu, đi lại thuận tiện giữa các nước, thêm vào đó do có sự biến đổi liên tục của các vi sinh vật gây bệnh, sự biến đổi của khí hậu, quá trình đô thị hóa, điều kiện vệ sinh môi trường, sự di dân giữa các khu vực địa lý. Bên cạnh đó, sự xâm nhập vào các khu vực rừng sâu đã làm thay đổi bộ mặt cũng như cơ cấu của các bệnh truyền nhiễm. 

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, hiện một số bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát nhưng có xu hướng gia tăng trở lại, như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh sởi, dại, lao… Một số bệnh do ít được quan tâm nhưng thực sự nguy hiểm và gánh nặng cho xã hội như bệnh viêm gan B, C, dại…

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, sự biến đổi khí hậu toàn cầu hóa, đô thị hóa mang nhiều lợi ích cho phát triển cộng đồng nhưng đồng thời cũng có tác động lớn đến tình hình dịch bệnh ở nước ta.

Nhiều bệnh từ động vật hoang dã lây truyền cho con người, có bệnh tỉ lệ tử vong cao như Ebola, Mers- CoV... Bên cạnh đó là các bệnh tái nổi như bạch hầu, các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng.

“Thời gian tới, Hội Truyền nhiễm và HIV/AIDS sẽ tiếp tục được phát triển và mở rộng các chi hội tại tuyến tỉnh, thành phố và kết nối với các hội khác như Hội Y học dự phòng, Hội Y tế công cộng... cũng như liên hệ với các tổ chức quốc tế để kết nối được với các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực khác nhau về bệnh truyền nhiễm”, ông Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Hội nghị toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2019 diễn ra trong 3 ngày (từ 12-14/9) do Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phối hợp Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tại hội nghị có 61 báo cáo tham luận đề cập đến các chuyên đề về bệnh truyền nhiễm ở người lớn và trẻ em; viêm gan vius và xơ gan; chuyên đề về HIV/AIDS; kháng sinh và kháng kháng sinh; sốt xuất huyết; bệnh lý ký sinh trùng; một số kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm. 

Đặc biệt, trước thềm hội nghị có các khóa đào tạo liên tục về dự phòng trước phơi nhiễm ngăn ngừa lây nhiễm HIV; chẩn đoán và điều trị một số bệnh ký sinh trùng thường gặp; cập nhật hướng dẫn của Bộ Y tế về viêm gan và khắc phục các sự cố y khoa trong chăm sóc người bệnh truyền nhiễm.

Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các bác sĩ, điều dưỡng có dịp giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm trong các lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS.

Phương Anh