+ Tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà để chuyển sang công việc mới. Trước khi rời nhiệm vụ Bộ trưởng, điều gì bà thấy vui nhất?

Thời gian qua, Đảng đã có các Nghị quyết, Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ rất nhiều về các chính sách và cả ngành rất tâm huyết, quyết liệt.

Kết quả đạt được là người dân hài lòng hơn nhiều. Đó là niềm vui nhất, ấn tượng nhất. Chất lượng dịch vụ tốt hơn và bảo hiểm y tế lo cho cả người nghèo, người khó khăn.

Đánh giá của các tổ chức quốc thế cho thấy trên 80% số người dân đều hài lòng.

Khi tôi đi thăm bệnh nhân hỏi, bác chờ có lâu không, có phải trả thêm tiền không, thái độ của bệnh viện có tử tế không, thì tất cả đều trả lời tích cực, ai cũng khen giờ đỡ lắm rồi. Có người nói, chỉ mong Bộ trưởng mạnh khỏe để chúng tôi được nhờ.

+ Vậy còn điều gì bà còn trăn trở, luyến tiếc khi đang làm dở dang?

Cái đang làm cần tốt hơn là y tế cơ sở và chăm sóc cho người khỏe. Còn bệnh viện là điều sau cùng. Vừa qua, chúng ta phải tập trung vào bệnh viện là để “hạ hỏa”, giải quyết bức xúc của người dân.

Nhưng thực tế, số người bị bệnh chỉ chiếm 5% - 10% dân số nên chúng ta cần chăm sóc, dự phòng, phát hiện bệnh sớm, nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường...

Phải gắn y tế cơ sở và tiến tới bao phủ y tế toàn dân. Đó là mong ước của Liên Hợp quốc, các tổ chức y tế quốc tế.

+ Là nữ Bộ trưởng duy nhất, lại được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh ngành Y tế nên khá “nóng”, chịu nhiều bức xúc của xã hội, bà có cảm thấy bị áp lực, thiệt thòi?

Bộ trưởng nào cũng áp lực. Để có động lực làm việc thì phải đặt mình vào điều kiện của nó để thấy dịch vụ của mình chưa đạt được để nỗ lực toàn diện cải thiện trong thời gian ngắn, đó là áp lực.

Nhưng tôi nghĩ đó là quy luật của cuộc sống, mâu thuẫn luôn phát sinh. Chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn để phát triển cao hơn.

Y tế liên quan đến trực tiếp đến sức khỏe người dân nên người ta luôn mong muốn được chăm sóc tốt. Cho nên, quyết tâm thì phải cố gắng.

Tôi nghĩ rằng, phải làm được cái gì, ít ra là có sản phẩm gì cho người dân, xã hội, muốn vậy thì phải “siêng nhặt, chặt bị”, lấy “cần cù bù thông minh”, nhất là với ngành Y tế phải luôn đặt niềm tin cống hiến hết sức, có chiến lược bài bản, có hệ thống cấu trúc, từng bước, từng bước giải quyết các vấn đề và phải tranh thủ, học tập rất nhiều kinh nghiệm của quốc tế.

+ Nhưng, hiện nay còn nhiều điều người dân chưa an tâm, còn bất an về dịch vụ y tế?

Những thứ phải lo cho dân thì còn rất nhiều. Trách nhiệm của các thế hệ là phải giải quyết mâu thuẫn. Nhưng như tôi nói, giải quyết mâu thuẫn này lại phát sinh mâu thuẫn khác.

Ở cơ sở nhiều công trình xây dựng chưa xong để phục vụ dân tốt hơn, nếu có công trình đó sớm thì tốt.

Vấn đề nữa là về dược đang giải quyết và tôi cũng có thị phi. Có thông tin có thể không trung thực, chính xác trên mạng, nhưng cơ quan chức năng sẽ làm công minh, đúng người đúng tội, đúng việc, không oan sai để xây dựng nền y tế phục vụ dân tốt hơn, cái đó ai cũng muốn.

+ Bà rời cương vị khi chưa rõ người kế nhiệm. Vậy hoạt động của Bộ tới đây thế nào?

Cái này Bí thư Ban Cán sự Đảng mới và Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị sẽ giải quyết. Tôi thôi Ban Cán sự nên không phát biểu gì. Tôi cũng chưa biết người kế nhiệm nên chưa thể nói gì.

+ Đến thời điểm này, bà tự chấm cho mình mấy điểm khi thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế?

 Tôi chẳng dám tự chấm điểm và chả ai chấm điểm cho mình đâu! Ở đây, chỉ biết rằng, anh em toàn ngành từ cơ quan Bộ Y tế từ Sở Y tế, bệnh viện, trạm y tế đều rất quyết liệt và có áp lực công việc rất kinh khủng.

Tôi cũng có áy náy là tạo áp lực cho anh em nhiều quá, thay đổi quá nhiều việc nhưng đến lúc có kết quả, những Giám đốc Sở Y tế, bệnh viện tỉnh, huyện lại rất hạnh phúc. Tôi đến thăm cứ dẫn tôi đến các bệnh viện khoe đã làm được cái này, cái kia.

+ Xin cảm ơn bà!

Hương Giang