Nhận định của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế: Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng từ khi vacxin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vacxin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. 2 năm qua đã ghi nhận nhiều ổ dịch bạch hậu tại Bình Phước, Quảng Nam, Gia Lai gây tử vong về người.

Bo Y te thong bao khan ve dich benh bach hau
Công điện khẩn của Cục Y tế dự phòng gửi Sở Y tế Bình Phước về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vacxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi

Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Theo Hồng Nhung/Kienthuc.net