Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí chết người...

Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ mất an toàn trong y khoa chiếm từ 6 - 12% số lượt điều trị nội trú và chiếm tới 10% nguyên nhân tử vong bệnh viện. Điều đáng nói, khi sự cố y khoa không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân. Riêng với người bệnh, sự cố y khoa khiến họ phải chịu thêm ảnh hưởng tới sức khỏe, bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí tử vong… Do đó, việc bảo đảm an toàn người bệnh và an toàn phẫu thuật là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vấn đề không an toàn trong gây mê, nhiễm trùng trong phẫu thuật và thông tin liên lạc chưa tốt giữa các thành viên trong nhóm phẫu thuật đang rất phổ biến, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Trong khi những yếu tố này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được tại tất cả các cơ sở y tế.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, nguy cơ mất an toàn trong y khoa diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ngoài ra, chúng ta đang đối mặt với thách thức nhiễm khuẩn bệnh viện - mất an toàn người bệnh. Do đó, tất cả những thách thức đó cần khắc phục để đảm bảo an toàn người bệnh. Cần cùng nhau phòng chống sự cố y khoa, chúng ta phải cảnh báo được thay đổi để an toàn hơn thông qua các hình thức khuyến khích bác sĩ, nhân viên y tế thông qua việc thông báo, cảnh báo về những sự cố y khoa, từ đó có phương pháp xử lý sự cố có văn hóa, khoa học, thông minh và minh bạch, có như vậy mới đảm bảo tốt an toàn phẫu thuật, an toàn người bệnh.

Ngoài ra, an toàn người bệnh còn là vấn để sử dụng thuốc phù hợp, cần hợp lý và hiệu quả, không chỉ kê đơn nội trú mà còn là kê đơn ngoại trú. Việc này đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi kháng kháng sinh đang gia tăng.

Để khắc phục những thách thức hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện an toàn người bệnh và phẫu thuật an toàn như thông tư hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám, chữa bệnh; thông tư hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh và Bộ tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng an toàn phẫu thuật.

Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng phẫu thuật nhằm cải thiện an toàn trong phẫu thuật và giảm những ca tử vong không đáng có do phẫu thuật và các biến chứng liên quan. Bộ tiêu chí có 8 tiêu chuẩn về chất lượng, sẽ được triển khai ở 1.450 bệnh viện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phẫu thuật an toàn, đồng thời xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn về chất lượng phẫu thuật. Điều này sẽ tác động tích cực tới khoảng 3 triệu ca phẫu thuật mỗi năm.

Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng an toàn phẫu thuật là kết quả hợp tác giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Operation Smile. Năm 2014, một thoả thuận khung với Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế và Operation Smile đã được ghi nhớ cùng mục tiêu đề ra là tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phẫu thuật an toàn hiệu quả và kịp thời tại Việt Nam bằng việc xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn về chất lượng phẫu thuật.

Dự án được bắt đầu với các hoạt động đánh giá hiện trạng chất lượng chăm sóc phẫu thuật tại các bệnh viện đại diện cho các vùng kinh tế xã hội khác nhau trong cả nước. Kết quả đánh giá này là cơ sở để các chuyên gia của Bộ Y tế và Operation Smile cùng nhau xây dựng bộ tiêu chí khả thi và phù hợp cho Việt Nam. Ban soạn thảo đã sử dụng tài liệu “Phẫu thuật an toàn cứu sống người bệnh” (Safe Surgeries Saves Lives) của WHO và tham khảo Quy định chăm sóc an toàn của Operation Smile làm cơ sở để xây dựng Bộ tiêu chí này. Tại Việt Nam, áp dụng bộ tiêu chí chất lượng Phẫu thuật an toàn sẽ tác động tích cực tới 3 triệu ca phẫu thuật mỗi năm.

“Việc triển khai các thông tư hướng dẫn và Bộ tiêu chí sẽ góp phần bảo đảm sự an toàn cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế và khi tham gia phẫu thuật. Đây là những nội dung quan trọng đòi hỏi các cán bộ y tế phải quan tâm hàng đầu để đáp ứng sự an toàn cho người bệnh”, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Phương Anh