100% cơ sở chữa bệnh công tự chủ

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đến nay, 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu… Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên.

Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, phần lớn các bệnh viện đã không phải nằm ghép. Các bệnh viện tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sỹ, nhân viên. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sỹ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga…

Cái được lớn nhất sau khi thực hiện chủ trương tự chủ là chỉ sổ hài lòng của bệnh nhân. "Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú là hơn 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi", bà Tiến nói.

Cùng với đó, là giúp giảm ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện, cụ thể, năm 2018 so với năm 2015 đã giảm được khoảng 9.450 tỷ đồng. “Chỉ tính 26 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ Y tế đã giảm được 30.826 người, số tiền lương phải chi khoảng 2.900 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cơ chế tự chủ có tồn tại bất cập là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu.

“Có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết, ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn”, bà Tiến cho hay.

Vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn...

Cần tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ bệnh viện công

Đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng đề cập đến những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các bệnh viện công, từ giá dịch vụ cho đến đặt máy của các hãng. Thậm chí, có vấn đề mà một lãnh đạo bệnh viện nói “tưởng rất kỳ lạ nhưng thực tế lại thế” là “giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì”, đặc biệt là về tài chính và cán bộ.

“Làm thế nào để tháo gỡ và ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này để chủ trương tự chủ các bệnh viện đạt hiệu quả cao hơn”, ông Trí chất vấn.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: HG

 

Đáp lại, Bộ trưởng Tiến cho rằng, hiện nay có hai loại ý kiến. Có ý kiến ĐB nói rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến nói rằng quản chặt quá thì bệnh viện công "thở" thế nào?

"Ví dụ, vấn đề biên chế, hiện nay có tình trạng Nhà nước quản về biên chế nên các bệnh viện khi muốn ký hợp đồng tuyển dụng người lao động cũng rất khó. Khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì đụng đến biên chế nên rất khó", bà Tiến  nói và  bày tỏ, “chúng tôi rất chia sẻ vấn đề này với các bệnh viện, nhưng không phải thẩm quyền của Bộ Y tế”.

Theo bà Tiến, nút thắt này cần được tháo gỡ, khi giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ. “Giá thấp, lại không được hợp đồng nhiều, 1 bác sĩ chỉ có 1 điều dưỡng nên chất lượng chăm sóc không tốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tham gia giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, Bộ Nội vụ đã tháo gỡ vấn đề này, vì hiện đã cho phép các bệnh viện xác định vị trí việc làm và phân cấp các UBND tỉnh phê duyệt, nên vấn đề nhân sự trong bệnh viện không có gì vướng mắc, cản trở gì.

Nhận định, phần trả lời của các cơ quan hữu quan chưa thấm vào cái tinh tế bên trong, theo phản ánh của ĐB Nguyễn An Trí, nhiều địa phương đang thực hiện một cách máy móc khi triển khai Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy thì cứ nhằm nhằm vào giảm ngành y tế trong khi bệnh nhân đông, cần nhiều người làm hơn. Ông đề nghị, Bộ Nội vụ phải sâu sát hơn trong vấn đề này.

Biến bệnh viện thành doanh nghiệp là sai lầm!

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết cũng lưu ý, cơ chế chính sách tự chủ với bệnh viện công còn những bất cập, chung chung, ai hiểu thế nào cũng được. “Nếu không cẩn thận thì nhiều người đang làm hiện nay là đúng nhưng thời gian sau lại là sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế, cần có những quy định rất chi tiết, rạch ròi đối với bệnh viện công khi thực hiện tự chủ”, ông nói.

Nhưng, khi thực hiện chính sách tự chủ không bao giờ được cổ phần hóa bệnh viện công. “Không bao giờ đưa Luật Doanh nghiệp vào áp dụng cho y tế, vì vấn đề y tế còn liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội”, ông Quyết nhấn mạnh.

Cũng nói về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện nêu quan điểm, không nên doanh nghiệp hóa bệnh viện công, việc biến bệnh viện công thành doanh nghiệp là một sai lầm và vô cùng nguy hiểm.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, qua chất vấn ông muốn hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế là vai trò quản lý Nhà nước của bộ, tức là người chỉ đạo của ngành trong vấn đề tự chủ bệnh viện công, chứ không phải tự chủ bệnh viện công là “mang con bỏ chợ”, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu.

“Hiện nhu cầu khám chữa bệnh của người dân hoàn toàn khác, vậy chính sách như thế nào? Có hay không có vấn đề hỗ trợ ngân sách Nhà nước vào một số vấn đề của bệnh viện công, ngành Y tế có đề xuất hay không? Tôi cho rằng, phải có”, ông Nhưỡng nêu.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện. Ảnh: HG

 

Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, Bộ Y tế đang xây dựng và cố gắng trong tháng 10 là xong thông tư về danh mục các dịch vụ kỹ thuật y tế công cộng và mức giá. Theo đó, sẽ quy định có những cái do Nhà nước ký hợp đồng để bảo đảm bao phủ sức khoẻ toàn dân, ưu tiên chăm sóc sức khoẻ ban đầu dự phòng, đặc biệt là sàng lọc phát hiện sớm các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư…

“Với dự phòng thì vẫn là ngân sách, nhưng giờ chúng tôi đổi mới. Cũng danh sách các dịch vụ, cũng có giá nhưng Nhà nước ký hợp đồng chi trả và khoán tiền, khoán cơ sở hạ tầng để tiết kiệm. Như tôi đã phát biểu, có 2 chân đi song song, nhưng mới chú trọng chân ở bệnh viện, chú trọng khám chữa bệnh, còn phòng bệnh còn yếu. Với cơ chế tài chính này, tôi tin chủ trương chăm sức khoẻ ban đầu, bao phủ chăm sóc y tế toàn dân, chắc chắn sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng Tiến khẳng định.

Vì sao lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao?

ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân của tình trạng một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để "móc túi" bệnh nhân?

Theo Bộ trưởng Tiến, khi các bệnh viện tự chủ buộc các đơn vị phải có nguồn thu để thu hút người giỏi, xây dựng mới, mua ga trải giường, máy lạnh, nhà vệ sinh 3 sao trở lên rồi xử lý chất thải, chống nhiễm khuẩn...

“Các chi phí này đều rất tốn kém nên các bệnh viện sẽ phải làm sao để thu nhiều, trong khi bảo hiểm y tế chỉ thanh toán tối thiểu, nên mới nảy sinh chuyện lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc, kê thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, số ngày, giường điều trị... ”, bà Tiến nói.

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo bà Tiến là phải có định mức, thanh tra, kiểm toán, giám sát. “Tháng trước, chúng tôi mới ban hành chỉ thị chống lạm dụng, trục lợi để có giải pháp tăng cường giám sát”, bà Tiến cho hay.


Hương Giang