Báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả.

Ở lĩnh vực du lịch, đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, số lượng khách quốc tế tăng nhanh, từ 5 triệu lượt khách năm 2010 lên 10 triệu lượt năm 2016 và trên 18 triệu lượt năm 2019, bình quân tăng khoảng 15%/năm,  đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Ở lĩnh vực thể thao, đây cũng là nhiệm kỳ mà ngành thu được thành công trên tất cả các đấu trường, từ tấm Huy chương Vàng tại Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới - Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay 2 chiếc Huy chương Vàng Asian Games 2018 của môn điền kinh, rowing. Ở đấu trường khu vực, đã nhiều kỳ Sea Games, chúng ta đứng trong tốp 3 quốc gia dẫn đầu, một số vận động viên ở các môn thể thao Olympic như bắn súng, thể dục dụng cụ, bơi lội, cử tạ, cầu lông, rowing, điền kinh… đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới. Thể thao quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương.

Ở lĩnh vực văn hoá, cũng có nhiều tiến bộ như việc quản lý tổ chức lễ hội đi vào nền nếp, lần đầu tiên ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội; phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; các lĩnh vực khác như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh… thu được nhiều kết quả. Việt Nam cũng có nhiều di sản được UNESCO vinh danh…

Tuy đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ngành cũng tồn tại những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những kết quả mà ngành VHTTDL đã đạt được. Trong thời gian qua, ngành VHTTDL đã có nhiều nỗ lực, đạt được nhiều thành tích, được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận.

Tuy nhiên, ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 rồi kinh phí đầu tư còn chưa cao, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hoá. Mục tiêu đặt ra ngay từ Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và sau đó là Kết luận 30 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 9, đã xác định, tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Nhưng cho tới giờ, đến năm 2020, vẫn chưa thể về đích, khi mức đầu tư cho văn hoá chưa được 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Từ đó văn hoá cần phải đầu tư hơn nữa cho tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với những giải pháp mà Bộ VHTTDL đề ra và yêu cầu Bộ VHTTDL tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến các hoạt động VHTTDL, có những đề xuất cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định, văn hoá không thể tụt hậu, thậm chí phải đi trước một bước để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

“Văn hoá là lĩnh vực quan trọng, đóng vai trò tiên phong, tổng hợp, bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong thời đại ngày nay, văn hoá đem lại nhiều giá trị gia tăng cho sự phát triển của xã hội. Vì thế, văn hoá cần được đầu tư để phát triển cho xứng tầm, hướng tới mục tiêu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

 

Thái Hải