Nhưng ngày nay, trong một xã hội hiện đại, mỗi cá nhân thuộc một tổ chức tôn giáo với bao bận rộn trần thế, liệu các thói quen sinh hoạt tôn giáo theo truyền thống của họ có được duy trì? Cứ phải chăm chỉ lễ lạy, chăm chỉ cầu khấn, siêng năng chùa chiền, nhà thờ để biểu đạt niềm tin thì mới được gọi là sống đạo, không bị phai nhạt đạo? Phải chăng khi họ không còn chăm chỉ lễ lạy thì niềm tin với đấng thiêng của họ đã phai nhạt?

Thông thường, người ta chỉ biết được một người tín đồ với tư cách là chủ thể niềm tin vào thần thánh qua các hành vi tôn giáo của họ. Tức các sinh hoạt càng dày đặc, tuân thủ nghiêm ngặt chặt chẽ quy định của tổ chức tôn giáo thì có nghĩa là người đó đang sở hữu một niềm tin vào đối tượng thiêng sâu sắc.

Về logic điều này vẫn đúng trong bối cảnh ngày nay, với nhiều tôn giáo như Islam, Tin lành, Công giáo... là những tôn giáo của lễ nghi và sinh hoạt rất chặt chẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những liên hệ phổ biến có tính chất tỷ lệ thuận giữa niềm tin và thực hành này, đã có những xu hướng là vẫn giữ vững niềm tin vào đối tượng tôn thờ của mình nhưng việc đó không nhất thiết lại gắn với một sinh hoạt đạo quá quy củ, nề nếp và tuần tự.

Xu hướng này không phải được ưu tiên cổ súy của các tôn giáo có thiết chế chặt chẽ mà nó xuất phát từ bối cảnh tục hóa ngày càng mạnh. Tính hiện đại, gia tăng các liên hệ và các mối quan tâm của mỗi cá nhân, khiến con người bận với nhiều công việc. Khi đó sự tự do của người tín đồ có xu hướng muốn đi tìm một cách diễn tả hay thể hiện niềm tin không quá quy tắc và lệ luật nhưng vẫn đúng và phù hợp nhất với hoàn cảnh của họ. Họ tin rằng hành vi của mình vẫn không sai lạc với quy định của giáo hội, nhưng vẫn có một phương cách để thể hiện niềm tin hay sống đời sống đạo sát nhất với ý nghĩa hay giá trị tôn giáo theo đuổi.

Có thể nhìn một chút hiện tượng này qua trường hợp Công giáo:

Trong một cuộc điều tra quy mô khác ở Pháp năm 1999 về những giá trị Pháp đặt trong tương quan với cuộc điều tra trước đó vào năm 1981, mặc dù là một nước theo thể chế thế tục trung tính ở Châu Âu, với tỷ lệ thực hành tôn giáo hay tham gia các hoạt động của tổ chức tôn giáo rất thấp. Chẳng hạn năm 1981 chỉ có 3,9% người Pháp được hỏi tham gia các hoạt động của tổ chức tôn giáo hay của giáo xứ. Tỷ lệ này ở năm 1999 là 4,2%. Tỷ lệ người được hỏi trả lời rằng họ thực hành một tháng/lần ở thời điểm năm 1981 là 18% và năm 1999 là 12%.

Riêng đối với người trẻ từ 18-29 tuổi tỷ lệ thực hành còn thấp hơn là 11% năm 1981 và 5% năm 1999. Tuy nhiên, với câu hỏi “bạn có tin vào Chúa không”. Kết quả vẫn cho thấy: 62% những người được hỏi tin vào Chúa (năm 1981) và 56 % những người được hỏi năm 1999 tin vào Chúa.

Tỷ lệ những người tin vào Chúa thấp hơn ở những người trẻ từ 18-29 tuổi, với kết quả là 46% người trẻ tin vào Chúa ở năm 1981 và 48% năm 1999.

Con số này cho thấy giữa việc tin vào Thiên chúa với việc diễn tả niềm tin rõ ràng có sự chênh lệch. Đó cũng chính là việc chuyển đổi các giá trị tôn giáo trong bối cảnh thế tục hóa ở Châu Âu. Tôn giáo dường như là việc gắn với cá nhân, người ta có thể tin vào một Thiên chúa hay chân lý của một tôn giáo nhưng không nhất thiết gắn với các thể chế hay những nghi thức thực hành tôn giáo đó một cách thường xuyên, liên tục.

Ở Việt Nam có ý kiến cho rằng, Công giáo là đạo sinh hoạt, nghĩa là nặng về hình thức thờ phụng theo các niên lịch phụng tự quanh năm của riêng giáo hội. Từ một cách sống đạo nặng về hình thức như vậy, không ít người đồng nhất niềm tin với việc siêng năng đi lễ.

Trong suy nghĩ của nhiều người, hễ ai chăm đi lễ là người có niềm tin sâu sắc. Điều này không sai, bởi niềm tin chỉ biểu lộ qua các thực hành và bí tích. Khi ấy niềm tin cá nhân gắn chặt với thiết chế giáo hội, tức một cá nhân rời khỏi sự khu trú của xứ, họ đạo (những hiện hữu vật chất cụ thể của giáo hội nơi trần thế) thì người ta rất khó đoán biết được niềm tin của anh ta thế nào, bởi anh ta ít có những sinh hoạt với cộng đồng cùng chung niềm tin.

Vấn đề đặt ra là: Liệu những người sốt sắng đi lễ kia đã có một niềm tin trưởng thành? Trong khi không ít những người không thường xuyên đi lễ nhưng lại có một hành xử tương tác với cuộc sống đúng tinh thần Kitô giáo hơn cả những người siêng năng nguyện ngắm. Họ bộc lộ bản chất Công giáo của mình ngay trong đời thực, qua tương tác với con người thực và những hành động thực, có thể họ bận rộn với các việc kinh doanh, làm ăn khác nhau và thời gian đi nhà thờ đôi khi không chu toàn, nhưng họ vẫn có niềm tin mãnh liệt vào Thiên chúa. Đó chính là điều mà chúng ta thấy xuất hiện nhiều trong xã hội hiện nay, một dạng niềm tin trưởng thành, không lệ luật mà tính Công giáo vẫn hiện hữu trong các hành vi cá nhân một cách đậm nét ở các hành vi ngoài không gian tôn giáo.

Tình huống này thường xuất hiện ở một số những tầng lớp trí thức, doanh nhân Công giáo trong xã hội, những tầng lớp mới nổi mà khi các cơ chế thị trường làm cho họ bận rộn hơn với cộng việc, nó chiếm khá nhiều thời gian của việc sinh hoạt tôn giáo. Họ đang sống niềm tin tôn giáo của mình trong bề bộn cộng việc của cuộc sống thường nhật. Họ cố gắng trung thành với Thiên cChúa như thủa đầu khi họ chưa bận rộn bằng cách xác lập các ứng xử luân lý Công giáo trong các mối quan hệ của họ với mọi người. Rõ ràng với họ, có một khoảng cách nhất định giữa niềm tin với quy định của giáo hội. Họ không rời bỏ niềm tin nhưng qua hành động và cách nghĩ cho biết mối tương quan của họ với Thiên chúa không nhất thiết cần đến giáo hội hay cộng đồng kiểm chứng. Họ có một cảm nghiệm mạnh mẽ với Đấng thiêng mà không cần qua các cơ chế có tính chất mô phạm, thậm chí nặng nề của giáo hội.

Tình huống trên xảy ra với các cá nhân tín đồ ở chứ không xảy ra với chức sắc, những người có chức năng chuyên lo việc tư tế. Giáo hội có thể lên án những hình thức niềm tin kiểu này là một dạng đơn độc cho dù nó có mang tính chất Kitô giáo đi nữa. Dù gì thì giáo hội vẫn muốn niềm tin của cá nhân phải qua các khuôn mẫu của giáo hội, tức không thể thiếu chiều kích bí tích, cộng đoàn, thiếu các chiều kích này khó thể gọi danh xưng niềm tin Kitô giáo.

Niềm tin không gắn chặt với sinh hoạt của giáo hội, mà nó quy thuộc chiều kích cá nhân nhiều hơn chiều kích cộng đoàn còn xuất hiện ở các nhóm di dân như đã phân tích ở phần trên. Khi đó những nơi người Công giáo di dân đến các vùng mới, thiếu các không gian để họ sinh hoạt tôn giáo tập trung, như thiếu linh mục thăm viếng, thiếu các nhà thờ... Tình trạng này thấy ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khi mà các chủ đầu tư vẫn chưa tính hết các tình huống tâm linh đa dạng trong nhiều nguồn lao động mà họ tuyển chọn.

Với một số trường hợp như Tin lành thì có thể có những nơi cầu nguyện chung cho công nhân theo tôn giáo này đã được các chủ doanh nghiệp cũng là tín đồ của tôn giáo này chú ý. Riêng với Công giáo, biểu hiện niềm tin của tín đồ chỉ còn bằng cách tìm những nhà thờ gần nhất để sinh hoạt đạo. Cũng có nơi không có nhà thờ, niềm tin tôn giáo của các tín đồ được biểu lộ qua các buổi cầu nguyện hay sinh hoạt nhóm nhỏ ở các tư gia hoặc của từng cá nhân. Tức niềm tin vẫn là một nhu cầu nhưng trong tình huống này, nó đã không đồng nhất với sinh hoạt đạo.

Nguyên nhân của tình trạng trên ngoài yếu tố di dân, phân tầng xã hội còn do hiện tượng tục hóa,  tức dẫn đến suy giảm cái thiêng, đề cao các giá trị văn hóa thế tục hơn các truyền thống tôn giáo.

Tục hóa làm ảnh hưởng suy giảm sức mạnh của thể chế Công giáo, thậm chí làm phai mở các yếu tố bản sắc, căn tính. Khi ấy một số cảm thấy giáo hội, các chiều kích cộng đoàn, các lời giao rảng không còn sức hút với họ. Thay vì thế họ chú ý nhiều tới chiều kích cá nhân, sống đạo giữa đời mạnh hơn là sống đạo theo thói quen thể chế.

Có một nhận xét: "Khi mất đi phạm vi xã hội, từ nay giáo hội nhấn mạnh đến sự quyết định của mỗi cá nhân. Người Kitô hữu phải biết nói lên niềm tin của mình và bày tỏ nét độc đáo của Tin mừng giữa lòng một trần thế thờ ơ. Niềm tin trở nên một hành vị tự tôi thể hiện, là một chứng từ do tôi tự viết, chứ không phải một nhãn hiệu lĩnh nhận qua truyền thống của gia đình hay do sự áp đặt của xã hội. Theo nhãn giới này, thì hàng giáo sĩ không còn ảnh hưởng nhiều đến các sự kiện xã hội và mất đi địa vị độc tôn của họ. Trong khi đó, người giáo dân tìm được chỗ đứng tốt hơn qua việc hội nhập cuộc sống của họ giữa lòng xã hội mới mẽ này".

Mặt khác tình trạng trên còn do sự biến đổi không gian và cấu trúc tôn giáo. Ví như một nhà thờ nơi thành thị quá chật hẹp, người ta phải quá chú tâm xếp hàng và tìm giờ đi lễ phù hợp cũng có thể làm giảm đi sự hiện diện của những người Công giáo năng động và thành đạt.

TS Ngô Quốc Đông