Năm 1947, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới tăng, ni, Phật tử cả nước đã dấy lên phong trào “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào”.

Ngày 27/2/1947, tại chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Thế Long - trụ trì chùa (sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội Khoá VII), 27 nhà sư đang tu tập tại chùa Cổ Lễ và các chùa khác ở tỉnh Nam Định đã gia nhập “Trung đội Phật tử”, cởi áo cà sa ra trận, trở thành các chiến sỹ Vệ quốc. Khi ấy, khích lệ tinh thần các nhà sư - chiến sỹ, Hòa thượng Thích Thế Long đã nói: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le ngay cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử cũng tham gia đánh giặc cứu nước...”.

74 năm sau, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đông đảo các chức sắc, chức việc, tín đồ thuộc các tôn giáo trong cả nước đã tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Thời gian qua, phong trào “Tăng, ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse” xông pha vào tuyến đầu chống dịch, đăng ký sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân mắc Covid-19 diễn ra sôi nổi trên cả nước. Hàng trăm tăng, ni và Phật tử đã và đang lên đường, phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại các bệnh viện dã chiến.

Nhiều máy thở, phòng áp lực âm, trang thiết bị y tế được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều ngôi chùa chuyển hàng trăm tấn rau, củ vào vùng tâm dịch giúp đỡ người dân. Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố cùng tín đồ Phật tử đã góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng COVID-19.

Hưởng ứng lời kêu gọi, ngày 16/8/2021, tại Trúc Lâm Thiên Trường (Trung tâm Phật giáo tỉnh Nam Định), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ xuất quân, tiễn 10 chư tăng tình nguyện tham gia hỗ trợ, phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An.

Tiếp đó, ngày 25/8/2021, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định tổ chức lễ xuất quân tình nguyện đợt 2, cử 10 chư tăng tham gia tuyến đầu hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 13, thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi xuất hành, Đại đức Thích Minh Hiếu - thành viên đoàn chia sẻ: "Các tỉnh phía Nam đang trải qua thời điểm khó khăn về dịch bệnh, nên chư tăng, ni cả nước nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng đã gửi đơn tình nguyện lên Trung ương GHPGVN, xin được đi vào các vùng dịch, ở tuyến đầu để hỗ trợ chống dịch. Con cũng làm đơn và thật may mắn khi được quý thầy trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cũng như trên Trung ương GHPGVN sắp xếp cho vào những bệnh viện dã chiến hỗ trợ tuyến đầu".

Từ tâm dịch, Thượng tọa Thích Thanh Hùng (đang tu tập tại chùa Cổ Lễ) - trưởng đoàn tình nguyện viên Phật giáo tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An, chia sẻ: Có mặt nơi tuyến đầu chống dịch, chia sẻ những khó khăn với lực lượng y tế, với người bệnh, chứng kiến những mất mát, đau thương, mới thấy hết được sự xót xa do dịch Covid-19 gây nên. Chư tăng chúng tôi phát tâm vào tuyến đầu chăm sóc các bệnh nhân F0 theo mệnh lệnh của trái tim, trái tim yêu thương của Phật, trái tim yêu thương của tu sỹ cho chúng sinh, cho nhân loài, mong rằng dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Công việc của các tình nguyện viên Phật giáo tại các bệnh viện dã chiến là chăm sóc cho các bệnh nhân yếu, mệt, đưa cơm cháo, vận chuyển mẫu bệnh phẩm từ khu điều trị về phòng xét nghiệm, khâm niệm cho bệnh nhân tử vong, thăm hỏi bệnh nhân giúp họ vững tinh thần chiến đấu với bệnh tật…

“Những công việc của chúng tôi tuy có vất vả, nguy hiểm, nhưng không thể sánh với những vất vả, hy sinh của đội ngũ thầy thuốc nơi đây. Có trường hợp cha, mẹ của bác sỹ, điều dưỡng mất, nhưng do đang phải tập chung chống dịch Covid-19 không về chịu tang được, chúng tôi cùng nhau tổ chức lễ tưởng niệm ngay tại bệnh viện, xót xa lắm” - Thượng tọa Thích Thanh Hùng chia sẻ thêm.

Cùng với đó, nhằm góp phần làm giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị Covid-19, GHPGVN đã khuyến khích các chùa, tự viện phát huy tinh thần “hộ quốc an dân” tích cực phát tâm đăng ký, đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly thông qua phong trào “Dùng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19”.

Trung Hà