Các báo cáo viên đã chuyển tải nội dung về tình hình tuyến biên giới Việt Nam - Lào và công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại; báo cáo công tác triển khai “Đề án tăng cường công tác thông tin đối ngoại với Lào trong tình hình mới tại các tỉnh biên giới giáp Lào”; phổ biến một số kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên viết tin, bài tuyên truyền, phản ánh...

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào có đường biên giới dài hơn 2.337 km, đi qua 156 xã, thị trấn của 36 huyện thuộc địa bàn 10 tỉnh, kéo dài từ xã A Pa Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đến xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).

Những năm qua, khu vực biên giới tuyến Việt Nam - Lào được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm đâu tư xây dựng và phát triển về nhiều mặt, đời sống kinh tế - xã hội ngày càng được nâng lên. Hệ thống chính trị cơ sở từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo.

Do điều kiện địa lý và lịch sử, nên khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người, trình độ nhận thức về pháp luật và chấp hành pháp luật của nhân dân ở khu vực biên giới nhiều nơi còn hạn chế.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị tập huấn

Đây là địa bàn mà kẻ địch thường tập trung lôi kéo, mua chuộc, kích động, phá hoại, nhất là các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu diễn biến phức tạp; thủ đoạn tinh vi, có tổ chức và manh động. Tình hình di cư tự do của người Mông sang Lào, vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh trái phép vẫn còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Vì vậy, cần tập trung đấu tranh với những vấn đề như: Các thể lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế để chia rẽ, xâm nhập chống phá quan hệ hai nước Việt Nam- Lào. Kết hợp móc nối với lực lượng phản động người Lào, lợi dụng địa bàn biên giới Việt Nam - Lào để xâm nhập, phá hoại, phục kích, gây nổ... ở một số địa bàn trọng điểm, gây bất ổn ở khu vực biên giới hai nước.

Nâng cao cảnh giác với các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề như Việt kiều, doanh nghiệp Việt Nam, người lao động Việt Nam tại Lào, di cư tự do, kết hôn không giá thú hai bên biên giới... để kích động, xuyên tạc, chống phá mối quan hệ hai nước.

Hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức phản động lợi dụng mạng xã hội để phát tán các bài viết xuyên tạc quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Các đối tượng tuyên truyền, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông Việt Nam di cư sang Lào phục vụ ý đồ thành lập “Nhà nước Mông”. Lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” để vu khống Việt Nam.

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, hoạt động truyền đạo trái pháp luật và hoạt động “Nhà nước Mông” ở hai bên biên giới.

N.Phê -Đ.Bình