Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Hữu Chính, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, dù trong bối cảnh hoạt động gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 song với sự nỗ lực, Bộ VHTTDL đã triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ khối lượng lớn công việc được giao. Trong đó, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 văn bản, đề án, đang thực hiện 6 văn bản, đề án trong chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành theo thẩm quyền 06 thông tư,  đang hoàn thiện dự thảo 20 thông tư.

Đến nay đã đưa 340 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức họp Hội đồng Thẩm định 8 nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt. Quyết định xếp hạng 21 di tích quốc gia; đưa 11 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại 12 địa điểm.

Ký, gửi hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hoàn thiện hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” theo biểu mẫu mới trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong lĩnh vực điện ảnh, tập trung triển khai xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Xây dựng "Đề án quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan Phim Việt Nam"; xây dựng quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật tổ chức Liên hoan Phim, Tuần phim; sản xuất phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi; sản xuất phim đặt hàng hiện hành và quay tư liệu các sự liện lớn của đất nước,

Nhiều công việc quan trọng khác trên các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; bảo hộ quyền tác giả; công tác gia đình… cũng đã hoàn thành đúng tiến độ, tạo chuyển biến tích cực trong bối cảnh hoạt động có vô vàn khó khăn.

Trong lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT), các văn bản liên quan đến việc tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11/2021 tại Việt Nam  được hoàn thiện, đảm bảo tiến độ. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Trong 9 tháng đầu năm, đã phối hợp tổ chức 07 giải thể thao trong nước và 13 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT, đảm bảo các biện pháp an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, tập huấn vận động viên thành tích cao tham dự các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới. 09 tháng đầu năm 2020, thể thao Việt Nam tham dự 18 cuộc thi đấu quốc tế, giành 26 HCV, 11HCB, 8 HCĐ. Hiện thể thao Việt Nam có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo ở các môn: Bắn cung, Boxing, Thể dục dụng cụ, Bơi.

Về du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2020, nhìn chung các chỉ tiêu về du lịch đều giảm mạnh: khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 67,4% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa đạt 37,5 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 233.000 tỉ đồng, giảm 53,76% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh khó khăn đó, ngành Du lịch Việt Nam đã nỗ lực và tích cực triển khai các giải pháp vượt khó. Đồng thời, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Triển khai công tác quản lý cấp phép lữ hành, hướng dẫn viên đảm bảo đúng quy định.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí cũng chia sẻ sự quan tâm đối với nhiều nội dung cụ thể thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Trả lời các câu hỏi về giải pháp thu hút và quảng bá du lịch Việt Nam sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch Covid-19, lãnh đạo Tổng cục Du lịch  cho biết, triển khai Công văn số 3455/BVHTTDL-TCDL phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, nhiều địa phương, doanh nghiệp trong cả nước đã đồng loạt tích cực hưởng ứng, mang lại không khí sôi động và những kết quả bước đầu khả quan.

“Việc tái khởi động kích cầu du lịch nội địa  là một giải pháp thiết thực nhằm phục hồi ngành Du lịch những tháng cuối năm” Tổng cục Du lịch khẳng định.

Tổng cục Du lịch cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, công bố chính thức vào ngày 10/10/2020. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao trải nghiệm của du khách là bước đi kịp thời, đúng hướng và được kỳ vọng trở thành công cụ hữu ích, tạo sự tin tưởng cho du khách lựa chọn khi đi du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.

Thái Hải