Trong tổng số 44 thôn, bản này có 13 thôn, bản giáp biên giới, số còn lại đều là vùng sâu, vùng xa và thuộc diện đặc biệt khó khăn, đời sống đồng bào Mông còn nhiều vất vả, thiếu thốn.

Để thay đổi nếp sống văn hóa trong việc tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững, xóa bỏ hoàn toàn tập tục lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy những những bản sắc tốt đẹp của đồng bào Mông, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với Ban Dân tộc tỉnh về việc tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa đồng bào Mông giai đoạn 2021 -2025.

Theo đó, nội dung tuyên truyền, vận động xóa bỏ đó là “tục bắn súng thông báo có người chết”; “tục không đưa người chết vào quan tài ngay”; “tục người chết để lâu trong nhà”; “tục ăn uống linh đình ở nhà người chết trong nhiều ngày”; “tục chôn cất người chết vào nghĩa địa tập trung”. Tuyên truyền, vận động giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong tập tục tang lễ của đồng bào Mông gồm các nghi lễ như: Khâm liệm sau khi chết; khèn trống trong tang lễ; giỗ đầu giải thoát cho linh hồn người chết; giỗ lần cuối ghi nhớ công ơn người đã chết; tục người chết ban phước lành cho con cháu. Những bài khèn về nguồn gốc các loại cây cỏ, con vật tự nhiên; bài chỉ đường cho người chết về với tổ tiên.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tuyên truyền đồng bào Mông thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng hương ước, quy ước, vận động già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, thầy mo, thầy cúng, cán bộ, đảng viên người dân tộc Mông cam kết, gương mẫu thực hiện các quy ước, hương ước và tổ chức tang lễ theo chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Tuyên truyền củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa dòng họ người Mông, giữa dân tộc Mông với các dân tộc khác; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; làng văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ở  các bản người Mông sinh sống.

Để công tác thực hiện tuyên truyền, vận động có hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã và đang phối hợp với các cấp, chính quyền hướng dẫn, vận động các hộ gia đình đồng bào Mông tại các cuộc họp thôn, bản, dòng họ để trao đổi, tư vấn các công việc cụ thể trong việc tang lễ theo nếp sống văn hóa. Phát huy vai trò bí thư chi bộ thôn, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ để thực hiện. Kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng để kịp thời động viên những cá nhân, tập thể thực hiện tốt, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của đồng bào Mông vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, trong đó nghiên cứu sát với thực tế của từng địa phương xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện thành nền nếp, hiệu quả. Chỉ đạo việc vận động gia đình tang chủ thay đổi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, hướng dẫn và tạo điều kiện cho gia đình có người chết tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm, trang nghiêm và phù hơp với tập tục, tập quán của dòng họ, địa phương. Tiếp tục kiện toàn và duy trì hoạt động của ban vận động nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông cấp huyện, cấp xã. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền đảm bảo 100%  trưởng dòng họ, trưởng bản, người có uy tín có văn bản cam kết thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo quy định; 100% bản và thực hiện quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ; xóa bỏ tư duy trông trờ, ỷ lại bao cấp, trợ cấp.

Đi đôi với việc tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, bản văn hóa gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cấp chính quyền phải đưa các nội dung thực hiện các nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông vào nội dung của hương ước, quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông, có chế tài xử phạt thích đáng đối với các trường hợp vi phạm hương ước, quy ước của thôn, bản. Làm tốt công tác quy hoạch phù hợp với quỹ đất của địa phương, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch thực hiện chương trình nông thôn mới và các chương trình, đề án khác trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào Mông hiểu, ủng hộ công tác quy hoạch, xây dựng nghĩa địa, có sự đồng thuận giữa các dòng họ trong bản về vị trí theo quy hoạch tránh phát sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết.

Ngoài ra, thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án, chính sách được triển khai trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dự án phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Mông.

Văn Thanh