Sẵn sàng xông vào “điểm nóng”

Trong những ngày cao điểm của dịch Covid-19, rất nhiều hoạt động bị ngưng trệ, người dân được khuyến khích ở nhà, nhưng những người làm báo vẫn tất bật, miệt mài với công việc của mình. Những bài viết, dòng tin, hình ảnh về việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở y tế, hay cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại địa điểm cách ly chưa một phút dừng lại. Thậm chí, các bài viết hướng dẫn, khuyến cáo biện pháp phòng dịch, bảo đảm an toàn còn dày đặc hơn nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến lớn nhất và chưa từng có về dịch Covid-19 ở Việt Nam và toàn cầu.

Suốt hơn 1 năm “chiến đấu” với dịch Covid-19, phóng viên Ngô Nhung (Báo Người Lao động), là một trong những phóng viên thường xuyên có mặt tại các điểm “nóng” trên địa bàn Hà Nội như: Thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh); Bệnh viện Bạch Mai… mới đây nhất tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, huyện Thường Tín. Bất cứ ở đâu có Covid-19, anh luôn có mặt để tác nghiệp, truyền tải thông tin đến bạn đọc cũng như góp sức vào công tác phòng, chống dịch.

Đơn cử, tại ổ dịch huyện Thường Tín, khi xuất hiện ca bệnh mắc Covid-19, nhiều lần anh cùng đồng nghiệp có mặt tại đây để ghi nhận, phản ánh cuộc sống người dân. Hay khi Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa, anh cũng là một trong những người có mặt sớm nhất để phản ánh thông tin, ghi nhận hình ảnh dỡ bỏ phong tỏa ngay trong đêm. “Từ khi có dịch, công việc yêu cầu tôi phải làm việc bất chấp thời gian, dù là sáng sớm hay nửa đêm, bất cứ khi nào cần, tôi cũng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Dù vất vả, khó khăn, nhưng niềm đam mê, sự nhiệt huyết cũng như mong muốn mang thông tin đến với bạn đọc lại thôi thúc tôi lên đường”, phóng viên Ngô Nhung chia sẻ.

Giống như hàng trăm nhà báo, phóng viên luôn có mặt tại các “điểm nóng”, phóng viên Ngô Nhung cho biết, bản thân anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về phòng, chống dịch do Chính phủ, Bộ Y tế khuyến cáo. Tuy vậy, anh cũng thừa nhận rằng việc tác nghiệp tại các “điểm nóng” gặp không ít khó khăn. “Có nhiều người thấy tôi và đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân nên rất nóng, thậm chí nhiều người từ chối tiếp xúc. Chưa kể, việc bảo đảm các trang thiết bị như máy ảnh, máy ghi âm cũng gặp nhiều khó khăn”.

leftcenterrightdel

Phóng viên Ngô Nhung sẵn sàng xong pha vào “tâm dịch” để có được những tin, bài hay nhất phục vụ độc giả. Ảnh: Phúc Anh

Còn nhà báo Minh Khuê (Báo Lao động Thủ đô) thì cho biết, “nhân vật” mà phóng viên theo dõi y tế tiếp cận chủ yếu là các bác sĩ đang trực tiếp cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Song, do đội ngũ này quá bận rộn với các công việc chuyên môn, nên thời gian rảnh hầu như không có. Vậy nên chuyện phải túc trực tới khuya, đợi bác sĩ rảnh rỗi mới gọi điện phỏng vấn là không hiếm. “Có lần để phỏng vấn được bác sĩ viết bài về sự khó khăn, vất vả của nhân viên y tế nơi tuyến đầu là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chúng tôi đã phải chờ tới tối khuya, chưa kể, cuộc gọi bị ngắt quãng nhiều lần do bác sỹ có các công việc gấp phải xử lý”, nhà báo Minh Khuê kể lại.

Để dòng tin luôn chảy mãi

Nghề báo là một trong số ít nghề nghiệp không bị ngưng trệ vì dịch Covid-19. Ngược lại, nhiều phóng viên, nhà báo còn phải làm việc với cường độ công việc cao hơn so với bình thường. Thậm chí, có nhiều nhà báo còn chia sẻ, trong cuộc đời làm nghề chưa bao giờ đi họp nhiều như những tháng dịch hoành hành. Theo đó, liên tiếp các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch diễn ra căng thẳng, chưa tính đến các cuộc họp khẩn trong đêm tối, giữa trưa.

Hơn 1 năm qua, khi dịch Covid-19 hoành hành, đời sống của các phóng viên, nhà báo cũng có nhiều thay đổi rõ nét trong sinh hoạt cũng như cách tác nghiệp. Các toà soạn đã có những yêu cầu về quy trình tác nghiệp. Theo đó, mỗi phóng viên khi đến vùng có dịch hay nguy cơ có dịch đều phải có sự cho phép của lãnh đạo cơ quan báo chí. Khi tác nghiệp tại những đơn vị, khu vực như bệnh viện, khu cách ly, sân bay... được trang bị quần áo, kính bảo hộ; máy ảnh, máy quay, dụng cụ phải phun khử trùng. Sau khi tác nghiệp tại các vùng có nguy cơ và nguy cơ cao, phóng viên phải tự cách ly, thường xuyên theo dõi sức khỏe.

Chia sẻ về điều này, nhà báo Phạm Hùng (Báo Kinh tế Đô thị) vẫn không quên những ngày tháng phải luôn tự cách ly với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Anh nói: “Tôi ở cùng anh chị gần tòa soạn nhưng phải luôn tự cách ly trong phòng, hạn chế tối đa nhất việc tiếp xúc với anh chị và cháu. Riêng những ngày tác nghiệp tại Hạ Lôi, Sơn Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội), khi trở về nhà với gia đình, dù ở cùng nhà với gia đình nhưng bản thân cũng chỉ ở phòng riêng, ăn cơm một mình và gần như không giao tiếp với bố mẹ”.

Những ngày dịch Covid-19 hoành hành, mặc dù nguy cơ lây nhiễm lúc nào cũng thường trực, nhưng bản năng nghề nghiệp, mong muốn có được tin tức mới, luôn thôi thúc người làm báo vượt qua mọi khó khăn. Đặc biệt, để giảm tiếp xúc trong tác nghiệp, đội ngũ phóng viên, nhà báo đã linh hoạt, vận dụng công nghệ, phỏng vấn qua điện thoại hoặc nhờ sự trợ giúp của chính nhân vật bằng cách nhân vật tự quay phỏng vấn, tự quay hình ảnh và gửi về cho phóng viên trên cơ sở thảo luận trước.

Có thể thấy, thời gian qua, các nhà báo, phóng viên đã không quản gian khổ, vất vả để đồng hành cùng các bộ, ban, ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ các phóng viên, nhà báo, những thông tin mới về chủ trương, biện pháp trong công tác chỉ đạo của Chính phủ, của các tỉnh, thành phố; những tấm gương, việc làm tiêu biểu của các tập thể, cá nhân được kịp thời lan tỏa…

Phúc Anh