Kịch tính…

Buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là buôn bán xuyên quốc gia các loài đặc hữu, cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần buôn ma túy. Đường dây buôn bán trái phép động vật hoang dã xuyên quốc gia vì thế cũng được tổ chức công phu hơn, bài bản hơn dưới các vỏ bọc tinh vi, hoàn hảo. Tháng 6/2007, qua đơn thư tố giác đường dây nhập lậu khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) từ Campuchia vào Việt Nam qua khu vực biên giới phía Nam đưa vào nội địa Việt Nam hợp thức hóa nguồn gốc để xuất sang Trung Quốc với số lượng lớn; tôi đã đề xuất trực tiếp với Tổng Biên tập Báo Thanh tra lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Bình, thực hiện chuyến công tác thâm nhập, phơi bày đường dây này. Rất nhanh, tôi nhận được cái gật đầu đầy tin tưởng của Tổng Biên tập cùng với hàng loạt công văn do ông ký gửi Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), lãnh đạo một số địa phương và cơ quan hữu quan, đề nghị hỗ trợ, cung cấp thông tin

Khởi hành từ Hà Nội, nhóm phóng viên các báo: Thanh tra, Nhân dân, Tiền phong, chọn điểm đến đầu tiên là TP Hồ Chí Minh vì tập trung nhiều đầu mối thông tin như Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, cơ quan thú y vùng - đặc biệt là gần trại nuôi nhốt khỉ đuôi dài tại Đồng Nai (sau khi được đưa về từ khu trại ở biên giới Tây Ninh).

Tại TP Hồ Chí Minh, nhóm được bổ sung thêm phóng viên Báo Tuổi trẻ và Báo Đồng Nai.

Do nhận được tin vừa có số lượng lớn khỉ đuôi dài đưa từ Campuchia vào Việt Nam, chúng tôi lập tức di chuyển lên khu vực biên giới Kà Tum (thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh) - nơi có trang trại nuôi nhốt quy mô được điều khiển từ xa bởi một trùm buôn bán gốc Hải Phòng. Cùng lúc với sự xuất hiện của chúng tôi, các tấm bảng cấm quay phim, chụp ảnh trước cổng chính và các lối ra vào khu trại nhanh chóng được dựng lên. Cách không xa khu trại nuôi nhốt khỉ đuôi dài là barie cửa khẩu. Bên này cửa khẩu là xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh của Việt Nam, bên kia là xã Chăn Mun, huyện Mê Mốt, tỉnh Tboung Khmum của Campuchia. Hàng chục cây số 2 bên cánh gà barie là ruộng đồng trống trải với vô số lối mòn mà dân cư xã Tân Đông của Việt Nam và xã Chăn Mun của Campuchia có thể dễ dàng qua lại. Một số người địa phương lợi dụng lối mòn dọc biên giới, vận chuyển thuê khỉ đuôi dài từ Campuchia về khu trại nuôi nhốt ở xã Tân Đông bằng những chiếc xe máy cũ nát.

leftcenterrightdel
 Trại nuôi nhốt tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nhằm hoàn thiện hồ sơ các lô hàng khỉ đuôi dài trước khi xuất sang nước thứ 3. Ảnh: Thanh Tùng
 

Sau nhiều lần liên hệ với người đứng đầu kiểm lâm địa phương (nơi có khu trại nuôi nhốt sát biên giới) bất thành, chúng tôi buộc phải chọn phương án tiếp cận ông này vào giờ nghỉ trưa. Biết chúng tôi đến, người này tiếp tục tìm cách lánh mặt.

Phóng viên Báo Tuổi trẻ nhanh trí gọi điện thì nghe chuông reo vang trong khu nhà vệ sinh. Xác định chính xác đây là người cần phỏng vấn, chúng tôi sẵn sàng dụng cụ tác nghiệp, đợi ở cửa nhà vệ sinh với hàng loạt câu hỏi được chuẩn bị sẵn như kiểm lâm địa phương có nắm được việc nhập lậu khỉ đuôi dài qua khu vực biên giới Cửa khẩu Kà Tum? Hoạt động (thương mại, nuôi, sinh sản động vật hoang dã) của Công ty TNHH Tân Hội Đông (nằm trên địa bàn tại huyện Tân Châu, Tây Ninh) có đúng pháp luật không? Tại sao lại có sự ra đời và tồn tại nhiều năm liền của một trại nuôi động vật hoang dã sát biên giới Campuchia ở khu vực Cửa khẩu Kà Tum?

Rời Tây Ninh, chúng tôi quay về TP Hồ Chí Minh với mục tiêu đặt ra là tiếp cận bằng được giám đốc doanh nghiệp N, có trại nuôi nhốt khỉ đuôi dài (sau khi được chuyển từ Kà Tum của Tây Ninh về). Nhiều lần liên hệ với giám đốc doanh nghiệp N để trao đổi thông tin bất thành, chúng tôi lên kịch bản sử dụng “mỹ nhân kế”.

Nữ phóng viên Báo Đồng Nai vào vai Việt kiều Mỹ, thỏ thẻ vào máy giám đốc hẹn gặp vào lúc 6 giờ chiều tại một biệt thự trung tâm TP Hồ Chí Minh. Giám đốc mau mắn đồng ý với cuộc hẹn. “Biệt thự”, nơi diễn ra cuộc hẹn, là trụ sở cơ quan đại diện một tờ báo lớn. Khi chiếc xe chở giám đốc vào đến sân, cổng sắt biệt thự lập tức được bảo vệ đóng chặt. Giám đốc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận trao đổi thông tin liên quan đến 5.000 cá thể khỉ đuôi dài đang được nuôi nhốt cũng như đồng ý cùng chúng  tôi rời TP Hồ Chí Minh ngay trong đêm để di chuyển đến trại nuôi nhốt khỉ đuôi dài ở xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Niềm tin!

Tại đây, khó khăn mới tiếp tục xuất hiện khi ông chủ thực sự của lô hàng 5.000 cá thể khỉ đuôi dài chuẩn bị được xuất sang nước thứ 3 (là người nước ngoài) từ chối tiếp xúc. Mất nhiều thời gian nhờ vị giám đốc người Việt Nam thuyết phục, ông chủ nước ngoài mới đồng ý cho chúng tôi vào khu trại với điều kiện phải ngồi  trong ô tô do người của ông ta lái, đóng kín cửa, di chuyển với tốc độ trên 70km/h và không được dừng. Do đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, chúng tôi vẫn có được những tấm ảnh khỉ đuôi dài bíu chặt song sắt mỏi mệt, thẫn thờ... Cũng có cả những cánh tay chìa ra vẫy vẫy, những tiếng kêu thảng thốt và nước mắt khỉ đuôi dài sau song sắt từ những bức ảnh mà chúng tôi ghi lại. Tất cả khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh nạn nhân chiến tranh, phân biệt chủng tộc trong trại tập trung thời Đức quốc xã.

leftcenterrightdel
Ông trùm của đường dây buôn bán động vật hoang dã (khỉ đuôi dài) xuyên quốc gia. Ảnh chụp năm 2007  
 

Khỉ đuôi dài có đời sống, sinh hoạt gần với con người, tiến hóa vượt trội so với các loài linh trưởng khác. Đây chính là lý do loài đặc hữu này trở thành nạn nhân lòng tham của con người. Khỉ đuôi dài bị săn lùng, bẫy bắt, để chế ra các bài thuốc được quảng cáo vô cùng công hiệu cho sức khỏe, trong đó có thứ gọi là “huyết lình” làm từ máu và nhau thai khỉ cái sau sinh đẻ! Thay vì bỏ ra hàng tháng trời bám theo các đàn khỉ, nhặt huyết rơi, nhau thai khô rơi rớt trên đá giữa rừng già, các ông chủ chỉ cần bỏ tiền mua gom khỉ từ nước giàu nguồn cung (Campuchia); hợp thức hóa nó bằng các trang trại dọc biên giới, đưa sâu vào nội địa Việt Nam nhằm hoàn thiện hồ sơ trước khi xuất sang Trung Quốc. Lợi nhuận sau mỗi thương vụ mua bán khỉ đuôi dài theo hình thức “tạm nhập”, “tái xuất” được tính bằng con số hàng triệu USD.

leftcenterrightdel
 Khỉ đuôi dài sau song sắt ở trại nuôi nhốt xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thanh Tùng
leftcenterrightdel
 Khỉ đuôi dài mệt mỏi, thẫn thờ sau song sắt. Ảnh: Thanh Tùng
  

14 năm, máy tính của tôi vẫn lưu giữ nguyên vẹn hàng trăm bức ảnh khỉ đuôi dài trong khu trại nuôi nhốt và cả những công văn do Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bình ký gửi cơ quan có thẩm quyền. Chuyến công tác của nhóm phóng viên điều tra, trong đó có phóng viên Báo thanh Tra đã phơi bày, làm sập đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia có quy mô cực lớn qua số lượng cá thể mỗi thương vụ và lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với hoạt động buôn bán ma túy.

Loạt bài viết sau chuyến công tác của phóng viên Báo Tiền phong vinh dự nhận giải thưởng quốc tế; phóng viên Báo Nhân dân được Bộ Biên tập trao giải A cho bài viết phơi bày sự thật về đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Dương Thanh Tùng
Nguyên phóng viên Báo Thanh tra