Với than, chỉ yêu thôi là chưa đủ…

Xưởng chế tác của gia đình anh Nguyễn Tuấn Quyết và chị Nguyễn Thị Thanh Bình thực ra là ngôi nhà khá tuềnh toàng. Mọi vật dụng trong gia đình dường như đều bị phủ kín bởi lớp bụi than. Trong không khí đặc quánh, đen kịt, anh Quyết tâm sự, 2 vợ chồng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề điêu khắc than đá. Gia đình anh cũng là hộ duy nhất ở Quảng Ninh chọn nghề điêu khắc than đá làm nghề chính nuôi sống gia đình.

Theo lời kể của anh Quyết, nghề chế tác than đá mỹ nghệ của gia đình anh đến nay đã truyền qua 3 đời. Ông nội anh vốn là thợ làm than cho mỏ than Mông Dương, TP Cẩm Phả, lúc rỗi việc, ông thường lấy những hòn than kíp-lê để chế tạo những chiếc tẩu thuốc và được chủ mỏ yêu thích, đem đi làm quà tặng. Các chủ mỏ cũng dành riêng cho ông một khu vực nhỏ làm xưởng để chế tác những sản phẩm quà tặng theo yêu cầu.

Tiếp nối truyền thống, bố anh - nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Tuấn Lợi cũng gắn bó với nghề chế tác than đá mỹ nghệ. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị, được dùng làm quà tặng cho chuyên gia nước ngoài, chính khách, trong đó, có tượng được làm từ than tặng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Mở đầu câu chuyện nghề, anh Quyết không nhận mình là người có năng khiếu hay đam mê với than ngay từ bé, nhưng với anh, được lớn lên trong tiếng đục, đẽo, mài bóng cùng bụi than điêu khắc… đã làm cho anh ngày càng “yêu” hơn những khối than đen tuyền, óng ánh.

leftcenterrightdel
Rất nhiều sản phẩm than đá mỹ nghệ của anh Quyết có chủ đề khắc họa các danh lam, thắng cảnh Quảng Ninh. Ảnh: Trọng Tài

“Từ nhỏ, tôi vừa đi học vừa phụ giúp bố làm nghề. Năm 16 tuổi, chính thức kế nghiệp bố. Năm 26 tuổi, tôi lấy vợ, và từ đó vợ chồng tôi theo đuổi nghề điêu khắc than cho đến nay.

Với tôi, đây không chỉ đơn thuần là nghề để mưu sinh mà còn là nghề phát huy giá trị truyền thống của gia đình. Ngoài kỹ thuật gia truyền, tôi cũng đã đi học họa, học khối hình và có những sáng tạo riêng, kết hợp cùng sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật để nâng tầm kỹ thuật khắc nổi, mài, tạo chiều sâu cho tác phẩm”, anh Quyết tâm sự.

Hơn nửa đời người gắn bó, làm bạn với những hòn than đá, anh Quyết hiểu, đây là chất liệu “đánh đố” và làm đau đầu rất nhiều người làm điêu khắc. Vậy nên, với than, chỉ yêu thôi là chưa đủ. Để có một tác phẩm đẹp, có hồn, cùng với yêu, phải hiểu và phải có tay nghề chế tác. Vốn dĩ, than giòn, dễ gãy, có khi chạm nhẹ cũng hỏng, phải nâng niu và “chiều” cái thói “chảnh” của than thì mới có một tác phẩm hoàn chỉnh.

Anh Quyết tự hào chia sẻ, mỹ nghệ than đá là đặc trưng riêng và chỉ ở Quảng Ninh mới có bởi chính sự “khó tính” từ chất liệu. Than đá làm nguyên liệu chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật phải đạt các yêu cầu về chất lượng, độ đen đặc; bề mặt không có đường vân, mạch đứt gãy xuyên ngang dọc; có tuổi cao, rắn chắc, không pha tạp chất, xít để không ảnh hưởng mỹ quan và chất lượng sản phẩm. Theo anh Quyết, hiện tại, ở Quảng Ninh chỉ có mỏ than Đèo Nai và Cọc Sáu mới có than đạt chất lượng tốt, để có thể chạm khắc ra các tác phẩm đẹp.

leftcenterrightdel
 Dưới bàn tay của người thợ điêu khắc tài hoa Nguyễn Tuấn Quyết, nhiều tác phẩm độc đáo từ than đá được ra đời. Ảnh: Trọng Tài

Từ những khối than, người thợ sẽ xẻ theo yêu cầu hình dạng và kích cỡ chế tác. Công đoạn tiếp theo là căn, tạo hình trên bề mặt, rồi đục đẽo, gọt tỉa thành các hình thù. Cuối cùng là đánh giấy ráp và mài bóng sản phẩm.

“Khó nhất của nghề điêu khắc than là việc căn chỉnh tạo hình trên bề mặt than, đặc tính của than là giòn, dễ vỡ nên đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo. Làm nên một tác phẩm điêu khắc mỹ nghệ từ than đá thì không quá khó, nhưng để được một tác phẩm có hồn, thì ngoài sự cẩn trọng, tỉ mỉ, người thợ phải có cả tình yêu và sự say mê đối với nghề nữa”, anh Quyết nói.

“Nghề này mai một thì quá đáng tiếc”

Ở cái tuổi ngoài 50, trải qua bao thăng trầm, vợ chồng anh Quyết, chị Bình vẫn luôn yêu, say mê với nghề và quyết tâm gắn bó cả đời. Nhưng rồi, điều làm anh chị đau đáu mỗi ngày chính là việc đến nay vẫn chưa tìm được người kế cận, duy trì nghề.

Điều nữa khiến vợ chồng anh trăn trở chính là nghề điêu khắc than đá của gia đình không được công nhận là nghề thủ công mỹ nghệ, mà chỉ là công việc nhỏ lẻ của một hộ gia đình. "Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi đơn xin công nhận đây là nghề thủ công mỹ nghệ, nhưng không có kết quả. Nhìn những ngành nghề khác họ có hẳn làng nghề và được công nhận, nhiều lúc, tôi cũng thấy chạnh lòng", chị Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ.

Trong tiếng thở dài, anh Quyết tâm sự, trước đây, nghề điêu khắc than đá rất thịnh. Nghệ nhân Quảng Ninh có nhiều tác phẩm than đá đoạt giải quốc gia. Nhiều tác phẩm từ than đá được chọn làm quà tặng cho chính khách, tham gia triển lãm quốc tế… Tuy nhiên, do ít được quan tâm nên nhiều nghệ nhân đã dần bỏ xưởng, chủ yếu là sáng tác nhỏ lẻ kiếm sống. Hơn nữa, ngoài việc kiên trì, khéo léo, say mê với nghề, điêu khắc than phải hứng chịu sự nhem nhuốc do bụi than, thu nhập chưa cao nên lớp kế cận gần như không có.

Gia đình anh có 2 con gái, đều không theo nghề của bố mẹ. Xưởng chế tác hàng ngày vẫn có 5 - 7 người làm. Họ là anh em trong nhà nhưng không có ai tâm huyết hay có ý định gắn bó với nghề.

Nung nấu việc “truyền lửa”, vợ chồng anh mạnh dạn mở xưởng đào tạo cho các bạn trẻ có nhu cầu, nhưng có lẽ đam mê chưa đủ lớn nên số lượng theo học cũng không nhiều, một số rất ít học nghề xong lại không muốn theo nghề.

“Các bạn trẻ ở Quảng Ninh có rất nhiều lựa chọn, có bạn đến học nghề nhưng thấy bẩn, lem nhem, nên cũng bỏ luôn ý định gắn bó. Thế hệ chúng tôi theo đuổi nghề cũng “ba chìm, bảy nổi”, vì quá đam mê và cũng bởi lẽ nó quá đặc biệt, quá “độc”… Nghề này mai một thì quá đáng tiếc, Quảng Ninh sẽ mất đi một sản phẩm du lịch độc đáo”, anh Quyết nói trong tiếc nuối.

leftcenterrightdel
 Xưởng chế tác của gia đình anh Quyết hàng ngày vẫn có 5 - 7 người làm, đều là anh em trong nhà. Ảnh: Trọng Tài

Sau 36 năm làm nghề, từ bàn tay tài hoa của người thợ Nguyễn Tuấn Quyết, đến nay, đã có hàng nghìn tác phẩm than đá mỹ nghệ được ra đời. Các tác phẩm về Vịnh Hạ Long, hòn trống mái, thuyền buồm… của gia đình anh được du khách nước ngoài ưa chuộng và có mặt ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Đức… Không chỉ vậy, nhiều khách du lịch người Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ cũng đã đến tận xưởng chế tác để tìm hiểu, thăm quan và đặt làm những sản phẩm cho riêng mình.

Cùng với đó, các sản phẩm của xưởng chế tác than đá mỹ nghệ Quyết Bình cũng đang được trưng bày, giới thiệu tại một số điểm thăm quan trên Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh… và tham gia tại các hội chợ thương mại, du lịch. Đây đã trở thành những sản phẩm du lịch riêng có mà du khách tìm đến khi thăm quan, du lịch tại Quảng Ninh.

“Năm ngoái, gia đình cũng đã được các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh quan tâm hơn, đặt hàng trực tiếp và hỗ trợ, tạo điều kiện để mua than trên mỏ. Gia đình chỉ mong muốn được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đầu tư máy móc, nhà xưởng, mở các lớp đào tạo dạy nghề, nhằm bảo tồn được nghề truyền thống đặc trưng riêng của tỉnh; tiếp tục có những sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch khi đến với Quảng Ninh”, chị Bình cho biết.

Hơn nửa đời người “ngụp lặn” trong khói bụi than đá, tuy công việc vất vả, nhưng với tình yêu, niềm đam mê nghề, anh Quyết vẫn ngày ngày cần mẫn “thổi hồn” vào những hòn than vô tri. Với anh, được nhìn thấy du khách ngạc nhiên, mê mẩn khi cầm trên tay sản phẩm do chính mình làm ra, đó là niềm vui, là động lực để anh gắn bó với nghề.

Trọng Tài