Là một xã thuần nông của huyện Văn Yên, Yên Phú có gần 10% dân số là đồng bào Cao Lan sinh sống. Tuy chiếm một số lượng không lớn nhưng đồng bào Cao Lan tại Yên Phú vẫn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo, với kho tàng dân ca dân vũ phong phú và những lễ hội đặc sắc.

Có được những thành quả đó, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự cố gắng nỗ lực của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý giá của dân tộc mình trong cuộc sống hôm nay, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của ông Hoàng Thanh Bình - một người con dân tộc Kinh nhưng lại có niềm say mê đặc biệt với văn hóa Cao Lan.

Với tình yêu dành cho văn hóa Cao Lan và những việc làm đầy ý nghĩa của mình, ông được người dân nơi đây yêu mến gọi là “nghệ nhân của bản”.

Sinh ra và lớn lên tại Yên Phú trong một gia đình thuần nông, ngay từ khi còn nhỏ, ông Hoàng Thanh Bình đã được tiếp xúc với rất nhiều người Cao Lan và thường xuyên có mặt trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của đồng bào Cao Lan ở địa phương. Có lẽ vì được nuôi dưỡng bằng những câu sình ca, những điệu múa duyên dáng uyển chuyển của đồng bào Cao Lan nên tình yêu với vốn văn hóa bản địa đã ngấm vào máu thịt ông Hoàng Thanh Bình lúc nào không hay.  

Trong văn hóa của người Cao Lan, sình ca được coi như “báu vật” của cả cộng đồng. Đó là sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn, lâu đời của dân tộc Cao Lan. Sình ca là lối hát đối đáp giữa thanh niên nam nữ, được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Nôm.

Điều đặc biệt, hát sình ca không có nhạc đệm, chủ yếu dựa vào tài ứng khẩu của người hát, qua đó thể hiện trí tuệ của người Cao Lan xưa. Mỗi đêm hát Sình ca đều có đề tài riêng.

Người hát và người sáng tác thường lấy cảnh đẹp quê hương, làng bản; những cảnh trong sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, hay những câu chuyện cổ tích, thần thoại, hát chúc mừng… làm đề tài. Sình ca có thể hát trong đám cưới, hát chúc tụng, hát khi Tết đến, Xuân về, hát hội.

Đặc biệt, trong hát hội, chỉ có thanh niên nam nữ chưa lập gia đình mới được tham gia, vì hát hội là để tìm hiểu yêu đương. Nhiều mối tình đẹp, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng từ những đêm hát hội sình ca.

Ngoài sình ca, trong những ngày lễ, Tết, hội hè của người Cao Lan cũng không thể thiếu những điệu dân vũ độc đáo như múa xúc tép, múa trống tang sành, múa chim gâu, múa đâm cá... Mỗi điệu múa đều thể hiện sự gắn bó với thiên nhiên với nhiều động tác mô phỏng những sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó cũng thể hiện những mong ước về hạnh phúc lứa đôi và một cuộc sống tốt đẹp.

Càng tìm hiểu, ông Hoàng Thanh Bình càng say mê, ông bắt đầu nghiên cứu, học hỏi ở những nghệ nhân đi trước về văn hóa người Cao Lan như hát sình ca, các loại nhạc cụ, những điệu múa dân gian truyền thống để làm giàu vốn kiến thức văn hóa Cao Lan cho bản thân.

Đặc biệt, trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại, nhiều người trẻ không còn mặn mà với văn hóa dân tộc, ông Hoàng Thanh Bình cũng như nhiều người già trong xã luôn đau đáu một nỗi niềm, làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần quý giá đó.

Văn hóa Cao Lan vô cùng phong phú và đặc sắc nhưng ông Hoàng Thanh Bình yêu thích nhất là những điệu múa dân gian Cao Lan. Tuy động tác đơn giản nhưng đó là những điệu múa mô phỏng cuộc sống và niềm vui lao động của người Cao Lan như múa xúc tép, múa chim gâu, múa cầu mùa… Sự mộc mạc, giản dị trong điệu múa cũng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người Cao Lan: Bình dị mà tinh tế, mộc mạc mà chân thành. 

Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu và có vốn kiến thức nhất định, ông Hoàng Thanh Bình bắt đầu dàn dựng các tiết mục múa cho đội văn nghệ xã. Bản thân ông cũng rất tích cực tham gia biểu diễn trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh và đạt được một số giải thưởng đáng khích lệ. Tuy không lớn nhưng những giải thưởng hay giấy khen nhận được đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của của ông Hoàng Thanh Bình trong suốt thời gian qua. Đó cũng chính là động lực thôi thúc ông dành nhiều công sức và tâm huyết hơn nữa cho niềm đam mê từ thuở nhỏ.

Để những điệu múa Cao Lan hiện diện trong cuộc sống hiện tại, ông Hoàng Thanh Bình không chỉ truyền dạy cho những thành viên đội văn nghệ mà còn phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn xã mở các tiết dạy học múa Cao Lan cho các cháu học sinh.

Nhìn những gương mặt hồn nhiên, những đôi mắt trong veo, những đôi tay mền mại như những búp non trên cành trong điệu múa dân gian Cao Lan, càng hiểu và trân trọng hơn những việc làm mà “người nghệ nhân của bản” này dành cho các thế hệ tương lai.

Ông Trương Ngọc Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho hay: Mặc dù là người dân tộc Kinh, nhưng ông Hoàng Thanh Bình đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, đóng góp tích cực trong phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương, nhất là trong các kỳ hội diễn của xã, của huyện.

Ngày nay, với xu hướng toàn cầu hóa, số đông lớp trẻ ít quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, điều này dẫn đến nguy cơ các giá trị văn hóa dân gian dần bị thất truyền cho các thế hệ sau. Vì thế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của múa dân gian Cao Lan là một việc làm cần thiết, một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của tộc người. Để những giá trị văn hóa truyền thống mãi tồn tại với thời gian, ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, cần lắm những tấm lòng thiết tha với văn hóa dân gian như ông Hoàng Thanh Bình.  

Mong rằng, bằng nỗ lực, tâm huyết của ông Hoàng Thanh Bình và những người yêu văn hóa Cao Lan trên đất Yên Phú, những làn điệu dân ca, dân vũ mộc mạc, gần gũi, vừa chứa đựng chất thơ, vừa phản ánh giá trị nhân văn sâu sắc của con người sẽ được vang mãi, trường tồn cùng đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Cao Lan nói riêng, góp phần khẳng định sự phong phú thống nhất trong đa dạng của nền văn hoá Việt Nam.

Hồng Vân