+ Thưa ông, nhiều người cho rằng, tự do tôn giáo ở Việt Nam chính là sự hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Ông có nhận xét gì về quan điểm này?

- Hội nhập và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, là quy luật khách quan của lịch sử nhân loại, cùng với quá trình đó, tôn giáo cũng hội nhập ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội. Hội nhập tạo ra cơ hội để các tổ chức tôn giáo phát huy sức mạnh của mình trong cộng đồng và trên thế giới, tạo nên sự hợp tác, giao thoa tôn giáo và cũng tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Quá trình hội nhập làm cho tôn giáo có điều kiện để thực hiện quyền tự do của mình vươn ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia, dân tộc và xâm nhập vào đời sống văn hóa, tôn giáo ở các dân tộc khác, cũng qua đó, mỗi tôn giáo cũng thể hiện được quyền tự do của mình. Tuy nhiên, quyền tự do tôn giáo ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay càng phải đặt trong phạm vi quốc gia dân tộc. Các tổ chức tôn giáo cũng như các chức sắc, tín đồ cần phải thực hiện đúng những quy định trong hiến chương quốc tế và pháp luật của Nhà nước, nơi mà các tổ chức tôn giáo đó đang hoạt động.

Từ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, Nhà nước Việt Nam đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức tham gia vào các hoạt động tôn giáo trong nước và quốc tế. Vì thế trong những năm gần đây, các tôn giáo ở Việt Nam cũng nhanh chóng bước vào quá trình hội nhập với cộng đồng tôn giáo trên thế giới, thực hiện các hoạt động quốc tế theo hiến chương của tổ chức tôn giáo phù hợp với pháp luật Việt Nam. 

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời năm 2016 là một bước cụ thể hóa đường lối của Đảng về tôn giáo. Luật đã dành hẳn một chương để đưa ra quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho công dân Việt Nam mà còn mở rộng đối với các cá nhân và tổ chức người nước ngoài được tham gia vào các hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được mở rộng, gắn với công cuộc xây dựng đất nước, hòa vào dòng chảy của nhân loại tiến bộ trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

+ Về mặt chính sách, Việt Nam đã có những chính sách lớn nào để tôn giáo phát triển và hội nhập, thưa ông?

- Để tôn giáo bước vào hội nhập và phát triển thì trước tiên phải kể đến các chính sách của Nhà nước thực hiện trong phạm vi quốc gia, dân tộc gắn liền với công cuộc xây dựng đất nước như chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; chính sách đoàn kết tôn giáo, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào theo đạo... Cùng với các chính sách nhằm xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” thì các chính sách tạo điều kiện cho các tôn giáo bước vào quá trình hội nhập cũng ngày càng được mở rộng gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể khái quát những điểm nổi bật có liên quan đến vấn đề này như sau:

Một là, chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo đối với người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Hai là, chính sách hỗ trợ cho các nhà tu hành, chức sắc học tập nâng cao trình độ, học thuật tại các trường, viện nghiên cứu trong và ngoài nước về các lĩnh vực như tôn giáo, pháp luật, văn hóa, ngôn ngữ…

Ba là, các chính sách về tổ chức tôn giáo, hoạt động tôn giáo và xuất bản các ấn phẩm tôn giáo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Bốn là, tăng cường các hoạt động đối thoại về tôn giáo giữa Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tôn giáo hợp pháp với chính phủ các nước, các tổ chức tôn giáo trên thế giới nhằm xây dựng môi trường đồng thuận vì mục tiêu hòa bình tiến bộ và phát triển bền vững.

Năm là, tạo môi trường rộng mở để các tổ chức tôn giáo trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động từ thiện, cứu trợ đồng bào vùng khó khăn, vùng thiên tai theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Sáu là, xây dựng mối quan hệ đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết những người theo và không theo tôn giáo trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài.

leftcenterrightdel
 TS Hoàng Thanh Sơn tại chùa Kos Thum, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu

Có thể nói các chính sách liên quan đến hội nhập tôn giáo ở Việt Nam là một bộ phận trong chính sách mở cửa, hội nhập, gắn với các chính sách phát triển ở Việt Nam. Qua đó, các tôn giáo ở Việt Nam cũng ngày càng nâng cao uy tín và vị thế của mình trong phạm vi khu vực và quốc tế, thể hiện trách nhiệm và vai trò của mình, thực sự trở thành một trong những nguồn lực cho phát triển đất nước như trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định.

 + Là một người nghiên cứu về chính sách công, ông có thể cho biết ngành Quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là Bộ Nội vụ đã có hành động gì thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới?

 - Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo”. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như xây dựng những căn cứ để các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch công tác trong giai đoạn mới, ngày 24/9/2021, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 947/QĐ-BNV ban hành Chương trình Hành động của ngành quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

 Chương trình Hành động yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được giao, đặc biệt là đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới.

 Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo các ban/phòng tôn giáo (sở nội vụ), các ban dân tộc - tôn giáo, ban tôn giáo và dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; khai thác, phát huy tối đa trí tuệ, năng lực của tập thể và từng cá nhân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát triển ngành quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo lên một tầm cao mới.

 Chương trình Hành động đã đề ra 11 mục tiêu cụ thể trên các phương diện: Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, truyền thống yêu nước trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện lệch chuẩn, các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, vi phạm pháp luật chống Đảng, Nhà nước; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; chú trọng và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo; về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo...

 Bộ Nội vụ cũng đề ra 2 nhiệm vụ: Tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Quyết định 947/QĐ-BNV đưa ra 8 giải pháp trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo: Tham mưu xây dựng, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; công tác tiếp công dân; điều tra cơ bản, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương và địa phương với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cùng cấp trong thực hiện công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

 Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan, bộ phận tham mưu công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, xác định rõ mục tiêu, giải pháp thiết thực, hiệu quả, điều kiện bảo đảm, lộ trình tổ chức thực hiện hằng năm và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; định kỳ 6 tháng, hằng năm đánh giá kết quả thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tiến hành sơ kết Chương trình Hành động vào năm 2023 và tổng kết vào năm 2025.

 + Vừa hội nhập sâu rộng vừa phải đấu tranh với việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Nhà nước, Việt Nam cần chú trọng đến giải pháp nào, đặc biệt là thông qua tuyên truyền, thưa ông?

 - Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để đấu tranh chống lại việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, chống phá Đảng, Nhà nước, những âm mưu, thủ đoạn, hành động đi ngược lại với lợi ích của dân tộc và nhân dân thì các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chương trình Hành động theo Quyết định số 947 của Bộ Nội vụ, trong đó cần phải chú trọng xây dựng và thực hiện các giải pháp tuyên truyền, phổ biến tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo, đồng thời cần phải nhanh chóng thực hiện và thực hiện tốt, có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này đòi hỏi các cán bộ, đảng viên công tác trong ngành cần phải nghiên cứu và nắm vững Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đòi hỏi các cán bộ đó vừa phải là những chuyên gia về pháp luật vừa là những chuyên gia về công tác văn hóa cũng như công tác dân vận, vừa là người bảo vệ pháp luật, vừa là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của nhân dân. Đây là yêu cầu và trách nhiệm lớn lao và vinh quang của những cán bộ làm công tác văn hóa, xã hội nói chung và công tác tôn giáo nói riêng.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đan Quế