Sự ngưng đọng trên từng trang báo

Trang nhất Báo “The New York Times” làm thế nào diễn tả được nửa triệu nhân mạng qua đời vì con virus quái ác Covid-19? Tòa soạn làm thế nào để chuyển tải hết được thông tin? Từng có cách làm là in toàn bộ tên của những nạn nhân trong cuộc chiến đấu thảm khốc với  kẻ thù vô hình SARS-CoV-2, đó là những hàng chữ nhỏ li ti nhưng chứa đựng sự chết chóc kinh hoàng vì đại dịch. 

Khi danh sách nạn nhân tăng lên khủng khiếp, tòa soạn báo in “The New York Times” tháng 2-2021 đã thảo luận và đi đến sự lựa chọn cách biểu đạt thời điểm đánh dấu nửa triệu người Mỹ bị đại dịch cướp đi mạng sống bằng đồ họa thông tin thống kê về số người qua đời vì Covid tại Mỹ. Đồ họa nửa triệu nhân mạng được thể hiện bằng nửa triệu dấu chấm đen. Những chấm đen li ti tưởng là trang báo lỗi nhưng đã làm bàng hoàng thức tỉnh bạn đọc ở nước Mỹ và thế giới.

Tòa soạn báo in luôn đứng trước áp lực khi cùng phải diễn tả sự kiện, làm sao nhiều lợi thế bằng truyền hình hay báo điện tử, càng thua xa tốc dộ với mạng xã hội. Nhưng chính bởi sự chậm trễ, mất thời gian để làm ra tờ báo in, đã khiến các tòa soạn phải tư duy từ hình ảnh, đồ họa hay cách biểu đạt, lựa chọn góc nhìn đối với tin tức, sự kiện.

Ở đây chính là sự ngưng đọng thông tin trên từng trang báo. Tổ chức tòa soạn báo in khi áp dụng công nghệ 4.0 khiến mọi thứ đương nhiên trở nên nhanh hơn, đơn giản hơn, nhưng luôn đòi hỏi sự ngẫm nghĩ, sâu sắc từ phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, cho đến thư ký tòa soạn, ban biên tập. Đừng quá bị lệ thuộc công nghệ 4.0, đừng bị mạng xã hội cuốn đi, mà nhà báo thiếu tỉnh táo, mất đi “trái tim nóng và cái đầu lạnh”!

Cảm xúc trong từng tin tức, sự kiện

Có những sự kiện chính trị, gần đây nhất là kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/1911 - 5/6/2021, tòa soạn An ninh Thủ đô sẽ tư duy thế nào khi biểu đạt một hành trình của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc vào những năm đầu thế kỷ trước? Một hành trình vĩ đại vì độc lập dân tộc sẽ được biểu đạt như thế nào? Từ Bến cảng Nhà Rồng năm xưa, Bác Hồ đã đi từ Á sang Phi, từ Âu sang Mỹ, từ Âu về Á… Ngày ấy, giao thông đi lại đâu có thuận tiện như bây giờ, kết nối đâu có nhanh như bây giờ. Diễn tả làm sao để bạn đọc ngày nay mường tượng, hình dung hết một hành trình vĩ đại của Bác Hồ ngày ấy?

leftcenterrightdel
 Ông Chu Quốc Dũng thay mặt Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô thăm hỏi, động viên đồng bào miền Trung vượt qua trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2020
 

Đó là những trăn trở, nghĩ suy, lắng đọng để tòa soạn báo in tư duy và có sự lựa chọn chung cuộc, giúp bạn đọc cảm nhận được sự kiện theo một cách riêng. Đó cũng là đòi hỏi đặc biệt đối với loại hình báo in. Tuy tồn tại song song với báo điện tử, nhưng báo in không hề là một bản sao đơn thuần trên giấy- dù cùng một tòa soạn làm ra.

Tự hào hành trình 45 năm An ninh Thủ đô

Trong hành trình 45 năm xây dựng và phát triển của mình- kể từ năm 1976, An ninh Thủ đô là cơ quan báo chí đầu tiên trong lực lượng Công an Nhân dân phát hành công khai năm 1987, sau đó cũng là báo công an đầu tiên ra báo in hàng ngày (phủ kín 7kỳ báo in/tuần) từ năm 2005. Sau này, An ninh Thủ đô có thêm loại hình báo điện tử và sản xuất Chương trình Truyền hình An ninh - ATV.

Quy trình làm báo có thể rút gọn và thay đổi rất nhiều khi áp dụng công nghệ thời 4.0, nhưng trái tim  những người làm Báo An ninh Thủ đô thì không thay đổi. Trái tim ấy và những nhịp đập của nó chứa đựng hơi thở của Hà Nội nghìn năm văn hiến, của Người Hà Nội- luôn sống chân thực, biết hy sinh; khiêm nhường và kiêu hãnh. Chúng tôi- những người làm Báo An ninh Thủ đô tự hào về điều đó! 

Và có thể thấy rằng, công nghệ 4.0 giúp những nhà báo có thể bồi đắp và sáng tạo ra những tác phẩm báo chí hiện đại hơn, mà vẫn giàu cảm xúc và ngưng đọng! Làm chủ công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí, đòi hỏi những trái tim, khối óc của nhà báo luôn có tâm, thẳng thắn, trung thực, hừng hực và vận động không ngừng!

TS. Chu Quốc Dũng

Phó Tổng Biên tập An ninh Thủ đô