Xét về bản chất, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh nhằm tối ưu hóa phương thức sản xuất gắn với các công nghệ đột phá như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (KAR), mạng xã hội và truyền thông xã hội, phân tích dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), điện toán sương mù (fog computing), công nghệ di động….

Đối với báo chí truyền thông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những ảnh hưởng rất rõ ràng. Các loại hình và phương thức truyền thông mới ra đời đã làm xuất hiện các thế hệ công chúng mới, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức và các nhà truyền thông phải thay đổi cách thức làm báo, cách thức làm truyền thông theo hướng chuyên biệt hoá, hiện đại hơn và thông minh hơn. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo đã ngày càng được sử dụng rộng rãi trong báo chí truyền thông như các hệ thống quản lý tin tức tự động, các hệ thống tự sản xuất nội dung,… theo yêu cầu của nhà quản lý và hướng theo thị hiếu của công chúng. Bản thân báo chí Việt Nam đang đứng trước các thách thức, bên cạnh đó các cơ hội cho nền báo chí Việt Nam cũng đã và đang hiện hữu. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số báo chí chính là một bước đi, vừa phù hợp với định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta thời gian tới, vừa là chiến lược quyết định sống còn đến sự phát triển của báo chí, trong đó đảm nhiều cơ hội và lợi ích then chốt cho báo chí Việt Nam.

Thực trạng báo chí Việt Nam hiện nay

Năm 2017, báo chí thế giới chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của báo in và đà tiếp tục tăng trưởng của báo điện tử. Thậm chí, năm 2016, một loạt các tờ báo nổi tiếng trên thế giới như New York Times, Wall Street Journal cũng thông báo cắt giảm các ấn phẩm báo in của mình. Đặc biệt, trong toàn bộ năm 2020 và nửa đầu năm 2021, báo chí cả thế giới và Việt Nam đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid 19. Trên bình diện thế giới, tính đến 17/11/2020, theo khảo sát trên 56 quốc gia của the Press Emblem Campaign, có tới gần 500 nhà báo đã thiệt mạng vì Covid-19(1). Các cơ quan báo chí thì chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt về vấn đề kinh tế khi doanh thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh. Quy mô của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến một loạt cơ quan báo chí lớn ở Mỹ phải dỡ bỏ tường phí của họ, Bloomberg, Wall Street Journal, The Atlantic, thậm chí cả Seattle Times và McClatchy, hệ thống tờ báo lớn của Mỹ gần đây đã phải nộp đơn xin phá sản(2). Đến tháng 4/2020, chỉ sau 3 tháng Covid-19 xuất hiện tại Mỹ, đã có gần 37.000 nhân viên của các cơ quan báo chí tại Mỹ bị mất việc hoặc giảm(3). Cũng tại Mỹ, trong cuộc khảo sát phóng viên tự đánh giá về công việc của mình, có tới 65% phóng viên được hỏi cho biết họ cảm thấy không an tâm về công việc của mình(4). Điển hình như tờ báo Pháp luật TP HCM là minh chứng mới nhất một cơ quan báo chí phải bị ảnh hưởng và phải đóng cửa toà soạn chính và phải thiết lập và vận hành toà soạn dã chiến trong 3 giờ liên tục.

Tại Việt Nam, theo báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm 2019 do ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, tính đến tháng 11/2018, cả nước Việt Nam có khoảng 19.000 nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo; số lượng Hội viên Hội Nhà báo là 23.893. Cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Hiện có 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình; tại thời điểm hiện tại có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền...

Có thể khẳng định, báo chí Việt Nam đã và đang phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là công cụ chuyển tải hiệu quả, sinh động chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ, báo chí Việt Nam đã phát huy được ưu thế vượt trội trong cuộc cạnh tranh thông tin, đảm bảo thông tin đa dạng, nhiều chiều về đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá hay giải trí trên báo điện tử đáp ứng được nhu cầu thông tin của bạn đọc. Nhiều sản phẩm mới, có tính sáng tạo cao ra đời, giúp cho các sản phẩm báo điện tử ngày càng hấp dẫn, dễ tiếp nhận, như Rap News của VietNamPlus, hay các siêu tác phẩm báo chí, báo chí đồ hoạ của Zing, VietNamNet hay VnExpress…

Tuy nhiên, với sự tác động của môi trường truyền thông số, trong đó có cuộc cách mạng 4.0, báo chí Việt Nam đang chịu những sự thay đổi một cách mạnh mẽ.

Về mặt tổng thể, các loại hình báo chí truyền thống đang ngày càng đánh mất vị thế của mình. Theo khảo sát của GroupM vào năm 2012, số lượng người dùng các loại hình báo chí truyền thống không có sự thay đổi nhiều, thậm chí, có loại hình còn giảm, trong khi đó, số lượng người sử dụng Internet lại tăng lên với một tốc độ chóng mặt.

Đặc biệt, hiện đang có “làn sóng” chuyển dịch từ các phương tiện truyền thông truyền thống, như tivi hay đài cassette, sang các phương tiện truyền thông mới, hiện đại, tiện lợi hơn đó là Internet và điện thoại di động thông minh. Theo GroupM, năm 2012, tại Việt Nam có 2,1 triệu hộ gia đình có đài radio, và 2,5 triệu hộ sử dụng cáp truyền hình. Nhưng có tới 26,8 triệu thuê bao Internet và 111,5 triệu thuê bao di động. Con số thuê bao di động đã tăng vọt lên hơn 143 triệu thuê bao di động vào năm 2017 (theo thống kê của We are social trong Digital 2019 - Vietnam).

Việc chuyển dịch này, đặc biệt trong môi trường truyền thông số phát triển mạnh mẽ hiện nay mang lại cho báo chí rất nhiều cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ.

Tác động của môi trường truyền thông số đến tình hình phát triển báo chí ở Việt Nam hiện nay

Các cơ hội của thời đại truyền thông số mang lại cho báo chí Việt Nam

Thời đại truyền thông số mới hiện nay tác động lên mọi hoạt động của báo chí, nhưng các cơ hội của quá trình đó lên báo chí thể hiện rõ nét ở một số góc độ cơ bản sau:

Ở góc độ bạn đọc

Theo kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số 2019, tính đến tháng 4/2019, tổng dân số Việt Nam là hơn 96 triệu dân, đứng thứ 15 trên thế giới. Trong khi đó, theo báo cáo thường niên về tình hình phát triển truyền thông số ở Việt Nam của tổ chức We are Social công bố vào tháng 1/2021, tính đến đầu năm 2021, Việt Nam có khoảng hơn 154,4 triệu chiếc điện thoại kích hoạt, trong đó, gần 97% là điện thoại thông minh. Điều đó có nghĩa là trung bình 1 người Việt Nam sở hữu hơn 1 chiếc điện thoại thông minh. Đây chính là một cơ hội rất lớn cho báo chí Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành ra một lớp công chúng mới, tương thích với thời kỳ truyền thông số hay còn gọi là công chúng thời công nghệ số… Chẳng hạn, thay bằng công chúng tiếp cận với các tờ báo in truyền thống, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy thì công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR), hình thành nhóm công chúng “báo nhúng” sử dụng các thiết bị di động thông minh, hình thành nên một loại hình sản phẩm báo chí truyền thông mới. Với “báo nhúng”, độc giả sẽ được tiếp nhận thông tin không chỉ thông qua thị giác và thính giác như các sản phẩm báo chí truyền thống, mà còn bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình trong một không gian đa chiều như đang được tham gia, chứng kiến tại hiện trường sự việc. Các sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động đã diễn ra được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường. Thế hệ công chúng này đòi hỏi các sản phẩm báo chí phải nhanh hơn - mạnh hơn -  phù hợp hơn. Theo đó, những sản phẩm báo chí truyền thống dần được sản xuất theo hướng tích hợp được nhiều chức năng để có thể tác động tối đa đến các cơ quan cảm giác của công chúng.

Hơn thế nữa, với việc áp dụng công nghệ chuyển đổi số vào mô hình hoạt động của mình, các cơ quan báo chí hoàn toàn có thể nắm được các công nghệ và yếu tố UI (user interface) và UE (user experience). Đây là hai yếu tố Giao diện người dùng và Trải nghiệm người dùng, giúp các lãnh đạo cơ quan báo chí nắm bắt được tâm lý, thói quen của người dùng trong việc họ tiếp cận thông tin báo chí ra sao, từ đó các lãnh đạo, phóng viên điều chỉnh được trong hoạt động chiến lược dài hạn, trung hạn hoặc ngắn hạn của toà soạn, hay ngay trong chính kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí của phóng viên.

leftcenterrightdel
Giảng viên Vũ Thế Cường 
 

Ở góc độ toà soạn

Chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cuộc cạnh tranh sòng phẳng giữa các toà soạn báo chí với nhau, làm xuất hiện các dòng sản phẩm hàng hóa mới làm thay đổi các tiêu chí về sáng tạo nội dung báo chí và các sản phẩm truyền thông báo chí. Điều này buộc các cơ quan báo chí truyền thống phải luôn cố gắng thay đổi phương thức và quy trình sản xuất của mình, sẽ phải thay đổi từ các sản phẩm báo chí truyền thống thuần túy sang các loại hình sản phẩm đa phương tiện, mang tính sáng tạo nhiều hơn.

Các phương tiện truyền thông có thể tích hợp được nhiều chức năng quan trọng trong một phương tiện. Điều này làm cho đội ngũ phóng viên sử dụng phương tiện thông tin truyền thông gia tăng một cách nhanh chóng và hướng chuyên nghiệp hóa trong việc sử dụng phương tiện truyền thông ngày được nâng cao. Dựa trên sự phát triển của khoa học và công nghệ, các loại hình báo chí - truyền thông số mới đang ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với công chúng, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới như báo mạng điện tử, mạng xã hội và truyền thông xã hội. Trên cơ sở đó, thông điệp được truyền đạt tới công chúng một cách nhanh chóng hơn, cập nhật hơn các phương tiện truyền thông đại chúng thông thường. Xu hướng áp dụng công nghệ số trong báo chí truyền thông làm thay đổi trong mọi hoạt động của báo chí. Các tác động đó thể hiện thông qua các khía cạnh như: Tiếp cận công chúng nhanh chóng hơn, cung cấp trải nghiệm tới công chúng thông qua các công nghệ như thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (AR) mà qua đó công chúng có thể tiếp cận đến các sản phẩm báo chí một cách trực tiếp nhất, chân thực nhất. Bên cạnh đó chi phí cho việc sản xuất các sản phẩm báo chí ngày càng rẻ hơn và hợp lý hơn với đại đa số công chúng.

Cách mạng công nghệ 4.0 làm xuất hiện các dòng sản phẩm báo chí mang tính sáng tạo hơn, hấp dẫn hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng hơn.

Các sản phẩm mới hiện nay như thông tin đồ họa, các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, chẳng hạn như các siêu tác phẩm số (mega-stories, long-form), các clip dạng live-stream trên mạng xã hội, hay các bản Rap-news (Sản phẩm sáng tạo của báo điện tử VietNamPlus giành nhiều giải thưởng quốc tế cho tính sáng tạo của sản phẩm), các sản phẩm tích hợp công nghệ thông minh và hiện đại, sản phẩm thực tại ảo, thực tại tăng cường.

Ngoài ra, ngay trong bối cảnh đại dịch Covid 19, việc chuyển đổi số thành công giúp các cơ quan báo chí nhanh chóng điều chỉnh, thích nghi và vận hành toà soạn, đảm bảo hoạt động báo chí không bị gián đoạn. Sự thay đổi rõ ràng nhất trong hoạt động báo chí là việc buộc phải áp dụng các phương thức làm việc từ xa, sử dụng các công cụ cộng tác trực tuyến như Zoom hay Google Meet… Nhiều nhà báo phản đối trước đây nhận thấy rằng họ thích sự linh hoạt mới, trong khi các tổ chức tin tức nhận thấy có thể tạo ra các tờ báo, trang web và thậm chí các chương trình tin tức trên đài và TV, từ phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp. María Ramirez, Phó tổng biên tập tại El Diario ở Tây Ban Nha, cho biết: “Tòa soạn của chúng tôi đã hoàn toàn từ xa vào tháng 3 và chúng tôi đã làm việc như vậy kể từ đó. Chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại văn phòng với một tòa soạn kiểu cũ"(5).

Vì nhiều nơi trên thế giới phong toả, giãn cách, và cũng để đảm bảo an toàn tác nghiệp cho phóng viên, nhiều cơ quan báo chí chấp nhận nhiều thời điểm cả toàn soạn không có một phóng viên nào. Mọi thứ được triển khai từ xa, khác với thời điểm bắt đầu dịch, nhiều toà soạn, nhiều lãnh đạo cũng như phóng viên còn bị bất ngờ, bỡ ngỡ vì chưa được trang bị kỹ năng, kiến thức cũng như chưa có kinh nghiệm với những tình huống tương tự, thì sau một khoảng thời gian, các toà soạn đã nhanh chóng thích ứng linh hoạt.

Ở góc độ phóng viên

Theo báo cáo thường niên của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có hơn 19 nghìn nhà báo được cấp Thẻ nhà báo, và số lượng Hội viên Hội nhà báo là hơn 23 nghìn, trong đó, số lượng phóng viên trẻ chiếm một tỷ trọng khá lớn. Đó là một lợi thế vô cùng to lớn, đảm bảo cho sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong tương lai. Các phóng viên trẻ luôn có lợi thế rất lớn trong việc tiếp cận và làm quen nhanh chóng với các thiết bị công nghệ mới do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Họ không ngại khó, quyết liệt và dám lăn lộn, trải nghiệm những công nghệ, kỹ thuật số mới, áp dụng vào trong hoạt động tác nghiệp báo chí, nhằm sản xuất ra các sản phẩm báo chí mang tính sáng tạo, hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của bạn đọc nhiều hơn.

Các phương tiện truyền thông mới ra đời làm thay đổi cả quy trình sản xuất tác phẩm của truyền thông truyền thông và truyền thông hiện đại. Phóng viên ngày càng phải học tập nhiều hơn, biết nhiều hơn về các lĩnh vực ứng dụng công nghệ. Hiện nay, không khó để bắt gặp những hình ảnh các phóng viên tác nghiệp ngoài hiện trường với các thiết bị nhỏ gọn trên tay. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh với cấu hình đủ mạnh và các phần mềm phù hợp, các phóng viên có thể nhanh chóng thu thập thông tin, hình ảnh, và hoàn thiện tác phẩm để chuyển tải kịp thời tới bạn đọc, công chúng. Thuật ngữ phóng viên đa di năng, phóng viên đa phương tiện trở thành một thuật ngữ khá phố biến để chỉ các kỹ năng cần thiết của một phóng viên hiện đại hiện nay.

Các thách thức đối với báo chí Việt Nam dưới sự tác động của thời đại truyền thông số hiện nay

Bên cạnh các cơ hội do sự phát triển của truyền thông số mang lại, báo chí Việt Nam cũng gặp phải nhiều thách thức. Sự “lên ngôi” của truyền thông số, truyền thông đa phương tiện dẫu là thực tế không thể chối bỏ cũng nhanh chóng bộc lộ nhiều hạn chế và thách thức. Chỉ sau khoảng thời gian ngắn tính bằng giây, một sự kiện nóng đã lan truyền đầy ắp không gian mạng, cả thế giới đã biết “điều gì vừa xảy ra” nhưng độ chính xác thì… chưa thể nói ngay được. Ví dụ: Sự cố truyền thông nước mắm có thạch tín, rất nhanh chóng được lan tỏa trên mạng, gây ảnh hưởng lớn tới xã hội và người dân, để rồi rất khó để có thể sửa chữa các sai lầm do chính báo chí gây ra, nhưng lại được lan truyền mạnh mẽ từ mạng xã hội.

Việc phát triển quá nhanh của tình hình truyền thông số làm cho công tác quản lý báo chí truyền thống và các loại hình truyền thông xã hội mới ra đời gặp nhiều thách thức và khó khăn. Các vấn đề của tin giả, tin đồn vẫn luôn là những khó khăn, thách thức hàng đầu cho báo chí Việt Nam. Nhiều khi, các quy định pháp lý, các chế tài xử phạt không theo kịp được tình hình phát triển thực tế của báo chí và mạng xã hội ở Việt Nam, dẫn đến hiện tượng nhiều khi bản thân cơ quan quản lý báo chí còn lúng túng, chậm đưa ra các hướng dẫn về mặt pháp lý cho các cơ quan báo chí, truyền thông.

Bên cạnh đó, việc chạy đua trong cuộc cạnh tranh thông tin, mong muốn áp dụng những công nghệ kỹ thuật số hiện đại trong quá trình tác nghiệp báo chí của mình, nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã bị lợi dụng, hoặc tiếp tay cho các đối tượng xấu phát tán phần mềm, thông tin độc hại đến công chúng. Bên cạnh các virus và phần mềm độc hại, các cuộc tấn công, các ứng dụng giả mạo, vấn nạn tin giả, tin đồn, thư rác đã và đang là vấn đề đau đầu cho các nhà tổ chức, quản lý truyền thông và cả các cơ quan báo chí.

Hơn nữa, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí và nhiều phóng viên hiện nay vẫn còn giữ tư duy làm báo truyền thống, được bao cấp, dẫn tới tâm lý lười đổi mới, ngại áp dụng những công nghệ làm báo tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của mình. Các nhóm lãnh đạo và phóng viên này có sức ì rất lớn, thậm chí còn góp phần vào kéo lùi sự phát triển của cả toà soạn.

Tóm lại, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với công cuộc chuyển đổi số, các loại hình báo chí - truyền thông ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, thông minh và phù hợp hơn với yêu cầu của công chúng. Cuộc cách mạng này vừa mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn một loạt các thách thức, rủi ro cho báo chí Việt Nam. Chính vì vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay đặt ra cho cả các cơ quan quản lý báo chí, cho các cơ quan báo chí và cho chính các phóng viên đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí phải làm sao để thúc đẩy tối đa các cơ hội nhưng song song là giảm thiểu các thách thức từ cuộc cách mạng này. Để làm được như vậy, cần đặt ra các yêu cầu về xây dựng khung pháp lý phù hợp, yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị. Hơn thế nữa, các vấn đề về nghiên cứu, thay đổi phù hợp các quy trình sản xuất các sản phẩm báo chí, và đặc biệt yêu cầu về nâng cao chất lượng, kỹ năng của đội ngũ phóng viên hiện nay luôn là những trọng tâm cần phải được chú trọng.

(1)https://gijn.org/2020/11/17/journalist-deaths-from-covid-19-rise-seven-fold-nearly-500-dead-worldwide/

(2)https://www.cjr.org/the_media_today/coronavirus_news_business_advertising.php

(3)https://www.nytimes.com/2020/04/10/business/media/news-media-coronavirus-jobs.html

(4)https://ijnet.org/en/story/how-has-pandemic-affected-journalism-new-report-offers-sobering-snapshot

(5)https://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/journalism-media-and-technology-trends-and-predictions-2021 

Giảng viên Vũ Thế Cường
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh