Đây là những nhân tố quan trọng, họ đã thắp, giữ và truyền lửa các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 19 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Điện Biên, lan tỏa không chỉ trong tỉnh mà cả trong và ngoài nước. 

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp; tỷ lệ đói nghèo cao; trình độ dân trí không đồng đều; tình trạng di dân tự do vẫn còn. Đặc biệt, dân cư vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) không sống tập trung mà sống theo từng cụm, chòm rải rác trên những thung lũng hoặc trên sườn núi. Đây là yếu tố cơ bản tác động đến hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển di sản VHPVT các DTTS&MN tỉnh Điện Biên.

Ông Đào Duy Trình, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VHTT&DL cho biết: Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc gồm: Kinh, Khơ Mú, Mông, Thái, Dao, Hà Nhì, Lào, Hoa, Kháng, Mường, Si La, Phù Lá, Sán Chay, Tày, Nùng, Thổ, Cống, Xi Mun và các dân tộc khác, sinh sống tại 129 đơn vị xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố. Từ đặc thù về điều kiện sống, môi trường cư trú, sự giao tiếp với các nền văn hóa khác, từng dân tộc đã hình thành nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, thể hiện tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh sức sáng tạo của mỗi dân tộc tạo nên sức sống văn hóa đa bản sắc trong cộng đồng 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những bản sắc văn hóa đó được sáng tạo ra, được bảo tồn và lưu truyền trong cộng đồng của dân tộc ấy, như: Ngôn ngữ, phương thức sản xuất, phong tục tập quán, trang phục. 

Trưởng phòng Di sản văn hóa Đào Duy Trình nói rằng: Không chỉ trong lễ hội mà ngay trong sinh hoạt hàng ngày tại cộng đồng khu dân cư, chỉ  nhìn trang phục, nghe một làn điệu dân ca (ngôn ngữ), dân vũ, âm thanh của nhạc cụ, một điệu múa là sẽ nhận ra được đó là dân tộc nào. Có thể nói rằng, bản sắc VHDT, trong đó có bản sắc văn hóa phi vật thể là tấm thẻ “căn cước công dân” của từng dân tộc thiểu số ở Điện Biên.

Những năm qua, Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy di sản VHPVT của đồng bào DTTS&MN, như: Đề án Bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS, Chương trình Mục tiêu quốc gia về bảo tồn lễ hội truyền thống; Đề án Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Tuy nhiên, để khai thác được những di sản văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh để phục dựng, bảo tồn và phát huy là rất khó khăn. Ông Đào Duy Trình chia sẻ, những đối tượng am hiểu tường tận về cội nguồn bản sắc văn hóa của các dân tộc đều đã cao tuổi, nhiều đối tượng không biết chữ, không nghe, nói được tiếng phổ thông. Những nét văn hóa như cúng lễ, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, thêu thùa… thế hệ con cháu chỉ được các cụ truyền lại bằng phương pháp truyền miệng.

Để sưu tầm được cơ bản những nét độc đáo của từng bản sắc văn hóa dân tộc, Phòng Di sản văn hóa phải xây dựng chương trình kế hoạch công tác theo phương án “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) tại bản, tại nhà của các trưởng họ, trưởng bản, người có uy tín. Người làm công tác sưu tầm phải am hiểu phong tục tập quán, biết giao tiếp bằng tiếng dân tộc với đối tượng cần khai thác, có năng khiếu về nghệ thuật (múa, hát, nhạc cụ). Như vậy mới vận động phục dựng lại những lễ hội, tập tục của từng dân tộc thiểu số một cách chân thực, sinh động.

leftcenterrightdel
Nghệ thuật múa của dân tộc Khơ Mú. Ảnh: Nguồn Sở VHTT&DL Điện Biên 

Theo Phòng Di sản văn hóa, đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 12 di sản VHPVT được đưa vào danh mục di sản VHPVT quốc gia, như: Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; Lễ Kin pang then của người Thái trắng bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Lễ hội Đền Hoàng Công Chất thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt; Tết té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; Lễ Tủ cải của người Dao quần chẹt, bản Huổi Lóng, huyện Tủa Chùa… 28 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”. Đây là những nhân tố quan trọng, họ đã thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa - bản sắc văn hóa của các DTTS - cho thế hệ mai sau của tỉnh Điện Biên.

Phải khẳng định, trong những năm qua, Điện Biên đã có nhiều nỗ lực và đã dành được những kết quả đáng mừng trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS&MN. Xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà cho kinh tế du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào DTTS phát triển. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát triển di sản VHPVT các DTTS&MN ở Điện Biên vẫn còn một số tồn tại, đó là: Triển khai chưa đồng đều, chưa toàn diện, nhiều di sản VHPVT truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện chưa được bảo tồn, thậm chí bị mai một, việc bảo tồn bản sắc văn hóa chưa đi vào chiều sâu.

Đối với Điện Biên, một địa phương có thế mạnh về du lịch, điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các DTTS&MN ở Điện Biên là rất cần thiết.                                                      

 
Trung Hiếu