UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư dự án (DA) phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá lại chất lượng và tình trạng kỹ thuật của toàn tuyến kè này. Đồng thời tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, bảo tồn di tích, đề xuất điều chỉnh biện pháp thi công. Cần có phương án tái sử dụng vật liệu gốc hợp lý, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định về bảo quản, tu bổ phục hồi di tích. Thông tin DA theo đúng quy định trước khi tiếp tục triển khai, và có báo cáo định kỳ quá trình tổ chức thực hiện DA.

Vào năm 2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định phê duyệt DA “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỷ đồng. Do một số khó khăn nên tỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện DA đến ngày 31/12/2020. DA này liên quan mật thiết đến “Cuộc di dân lịch sử trong Kinh thành Huế” sắp được thực hiện.

Trong tổng thể DA này có phần “Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào bao gồm kè đá, lòng hào, tuyến phòng lộ và các bến cổng” với hạng mục “Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào”. Theo hồ sơ, phương án tu bổ là “Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ”.

Một đoạn bờ kè chưa tôn tạo thuộc Kinh thành Huế

Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng gửi công văn đồng ý tu bổ bờ kè Hộ thành hào cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. 

Công văn yêu cầu trung tâm này phải lựa chọn một số đoạn kè còn tốt, được xây dựng bằng kỹ thuật truyền thống, đảm bảo về kích thước và đủ khả năng chịu lực để gia cố chân móng tu bổ theo hiện trạng.

Hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh Kinh thành Huế được triều Nguyễn xây dựng từ năm 1832. Công trình được đắp bằng đá núi (đá gan gà) theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính. Đây là một phần trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993. Sau gần 200 năm tồn tại cùng Kinh thành Huế, dòng chảy của hộ thành hào ngày nay chịu nhiều tác động tiêu cực, từ phù sa lũ lụt hàng nắp tích tụ, bồi lắng đến áp lực rác thải của hàng ngàn cư dân tại chỗ....

 

Hồ sơ DA nêu rõ yêu cầu: “Gia cường hợp lý để phù hợp với điều kiện hiện tại, đặc điểm văn hóa, giữ gìn tái hiện không gian văn hóa lịch sử. Về phương án bảo tồn, ưu tiên giá trị nổi bật, bảo tồn được yếu tố gốc tối đa”.

Chủ DA này là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị thiết kế, thi công là Phân viện Khoa học - công nghệ miền Trung thuộc Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian mới tu bổ chỉ tầm 1 km bờ kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài, dư luận đã bức xúc cho rằng đơn vị thi công đã đưa các phương tiện cơ giới phá bờ kè gốc của hào nước sau đó xây kè gần như mới bằng bê tông, cốt thép.

Tại khu vực cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài, sau khi có những phản ứng trái chiều của dư luận, các phương tiện cơ giới đã được đơn vị thi công cho rút đi. Qua quan sát từ xa, một bờ kè mới được xây dựng bằng đá granit, vữa xi măng, phần chân móng đúc bằng bê tông cốt thép, phần mặt ngoài kè là hình ảnh một lớp đá mới.

Quốc Toàn