Những ngày qua, chúng ta đã được nghe về vụ kiện chống lại Tập đoàn Công nghệ NSO của Israel vì liên quan đến việc theo dõi hàng trăm người thông qua phần mềm giám sát được cài đặt qua WhatsApp.

Cụ thể, Facebook đã đệ đơn kiện Tập đoàn NSO với cáo buộc công ty giám sát không gian mạng của Israel sử dụng WhatsApp để phát tán phần mềm gián điệp tới 1.400 thiết bị di động ở 20 quốc gia từ tháng 4 đến tháng 5.

Facebook không cho biết ai là khách hàng của NSO, nhưng họ nói rằng, các cuộc tấn công tập trung vào thiết bị ở Mexico, Bahrain và UAE. Tuy nhiên, WhatsApp tiết lộ các nạn nhân bao gồm 100 nhà báo, một số nhà lãnh đạo nữ nổi tiếng, nhà hoạt động nhân quyền...

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cảnh báo, nhiều nhà báo và nhà hoạt động đã trở thành mục tiêu được nhắm đến, vụ việc đã cảnh báo những rủi ro tiềm tàng mà họ phải đối mặt trong khi hành động để vạch trần những bất công, sai phạm trong xã hội.

An ninh mạng đã và đang là một vấn đề ngày càng được quan tâm và nhiều người phải đối mặt với các mối đe dọa mang tính bạo lực, thậm chí cả những cáo buộc hình sự trong khi tác nghiệp.

Vừa qua, các nhà báo Nigeria đã bị bắt giữ và bị buộc tội phỉ báng trong quá trình đưa tin về một vụ án tham nhũng. Ở Ai Cập, nhà báo, nhà hoạt động và nhà phê bình Esraa Abdel-Fattah đã bị bỏ tù và chịu sự tra tấn. Tại Hồng Công, các nhà báo đang lên tiếng phản đối việc cảnh sát dùng bạo lực sau khi một số người trong số họ đã bị xịt hơi cay trong quá trình đưa tin về các cuộc biểu tình.

Theo TI, việc nhà báo bị tấn công diễn ra rất thường xuyên. Hơn 1.300 nhà báo đã bị sát hại kể từ năm 1992, phần đông nhất là ở các quốc gia có khu vực công tham nhũng. 

Một báo cáo mới đây của Hội đồng Bảo vệ Nhà báo cho thấy, tỷ lệ miễn trừ trong các vụ sát hại nhà báo là rất cao, số vụ bị kết án chỉ đạt dưới 1/5. Khi cảnh sát và tư pháp là một phần của các cấu trúc quyền lực tham nhũng tương tự như những gì mà các nhà báo đang điều tra, thì sự miễn trừ nở rộ là điều dễ hiểu.

Những vụ việc nhà báo bị ám sát như Daphne Caruana Galizia ở Malta và Jan Kuciak ở Slovakia là minh chứng cho thấy, công tác điều tra tham nhũng là nguy hiểm ngay cả ở các quốc gia được coi là an toàn. Bởi vậy, cần thiết có sự bảo vệ mạnh mẽ đối với các nhà báo, nhà hoạt động chống tham nhũng ở khắp mọi nơi. Để các nhà báo có thể vô tư thực hiện công việc của mình mà không sợ bị trả thù, từ đó vạch trần sự lạm quyền, tham ô, chống lại sự lan truyền thông tin sai lệch.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cảnh báo, mỗi năm, có 1 nhà báo được nhận giải Pulitzer và 100 người bị giết. Điều này phải dừng lại!

Khi nhà báo tìm kiếm sự thật, hiểm nguy chết người tìm đến họ. 1.109 nhà báo đã bị giết hại trong 12 năm qua. Trong vùng chiến tranh. Và ngay cả khi họ ở nhà. Trên góc phố nào đó… Với sự miễn trừ. Để sự thật phải im lặng!

Theo UNESCO, hơn 90% những kẻ phải chịu trách nhiệm về 1.109 nhà báo thiệt mạng trong khoảng thời gian từ 2006 - 2018, đã không hề bị kết án. 

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho thấy, các vụ giết hại nhà báo đã tăng khoảng 18% trong 5 năm (từ 2014 -2018) so với 5 năm trước đó. Những nước xảy ra nhiều vụ nhà báo bị giết hại nhất là các nước Arab (chiếm 1/3 tổng số các vụ giết hại nhà báo), khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe (chiếm 26%) và các nước châu Á - Thái Bình Dương (24%). 

Các nhà báo thường bị giết vì đưa tin về chính trị, tội ác và tham nhũng. Theo kết quả nghiên cứu thì trong 2 năm 2017 - 2018 có tới hơn một nửa số vụ nhà báo thiệt mạng xảy ra ở những nước không có chiến tranh.

Mới đây, nhân Ngày Quốc tế kêu gọi chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo (International Day to End Impunity Against Journalists - 2/11), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã ra thông cáo tri ân các nhà báo, khẳng định rằng, nếu các nhà báo không được tác nghiệp một cách an toàn thì tất cả sẽ sống trong một thế giới hỗn loạn và nhiều thông tin sai lệch.

Hoài Phương