Mới đây, Ban kỷ luật VFF đã ra quyết định phạt 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp vi phạm ở trận đấu giữa U21 Vĩnh Long và Đồng Tháp tại vòng loại giải U21 quốc gia 2019. Trong số này, có 4 gương mặt từng được gọi lên đội tuyển U18, U19 Việt Nam.

Sau những ngày đẹp trời, bóng đá Việt Nam lại phải đối phó với mối nguy sát sườn từ nạn dàn xếp tỷ số, đặc biệt ở các giải đấu trẻ.  

Câu hỏi đặt ra là bóng đá Việt Nam sẽ làm sao để thoát khỏi “bóng ma” tiêu cực? Câu trả lời có lẽ là... dịch chuyển tới các thành phố lớn.

Các sự việc nhức nhối của bóng đá Việt Nam đang có xu hướng Nam tiến trong hơn nửa thập kỷ gần đây.

Vụ các cầu thủ Ninh Bình (tháng 3), Đồng Nai (tháng 7) bán độ năm 2014. Cú nhào lộn trước khung thành Long An của thủ môn Minh Nhựt năm 2017. Hậu vệ Văn Quân của Cần Thơ sút bóng về lưới nhà năm 2019. Giờ là vụ việc của các cầu thủ trẻ Đồng Tháp.

Men theo thời gian, sóng gió dư luận thể thao đã thổi từ đồng bằng sông Hồng, qua miền Đông Nam bộ, tới đồng bằng sông Cửu Long.

Ngược lại, dòng chảy cầu thủ lên đội tuyển Việt Nam đang có chiều dịch chuyển ra phía Bắc. Sau khi Anh Đức nói lời chia tay, bóng đá miền Nam chỉ còn Tiến Linh là ngôi sao thực thụ. Các cầu thủ miền Tây đã vắng bóng trong màu áo đội tuyển từ khá lâu.

Sự biến mất của các cầu thủ miền sông nước trên tuyển là chất liệu mở đầu cho bài viết về một miền Tây oai hùng đã không còn trên bản đồ bóng đá Việt Nam, được Zing đăng tải hồi cuối năm ngoái.

Tác giả khắc họa bi kịch của các đội bóng miền Tây với khó khăn từ những bè cá, đến sự eo hẹp nguồn tài trợ, sự ra đi của các danh thủ. Cuối cùng, bóng đá miền Tây sạch bóng trên bảng xếp hạng V-League 2019.

Năm nay, khi VFF ra án phạt dành cho 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp cũng là lúc đồng bằng sông Cửu Long đang ứng phó với hạn mặn và đây là vùng đất có tỷ lệ người ly hương cao nhất cả nước.

Làn sóng tiêu cực dịch chuyển về phía Nam trên sân cỏ Việt có lẽ không hề tình cờ!

Rời miền Tây nhìn sang miền Đông Nam bộ, TPHCM và Bình Dương đang là hai đội bóng tiêu biểu nhất, nằm ở hai thành phố là đầu tàu kinh tế phía Nam. Một “khối động cơ” cho ngành công nghiệp bóng đá đang hình thành giống như thực tế ở khu vực phía Bắc?  

Bộ ba Hà Nội FC, Viettel và VPF tập trung quanh Thủ đô đang là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bóng đá phía Bắc. Đây cũng là nguồn cung cầu thủ cho đội tuyển Việt Nam hiện tại và giữ hy vọng World Cup trong lúc nạn giàn xếp tỷ số đang gây nhức nhối ở Đồng Tháp, Đắk Lắk hay Phú Yên.

Chương trình Bình luận thể thao từng lấy Phú Yên làm so sánh tương phản giữa nguy cơ tiêu cực trong bóng đá ở các địa phương kinh phí eo hẹp, không có đội chuyên nghiệp với đội bóng Thủ đô Hà Nội FC.

Hình thành các đội bóng chuyên nghiệp ở các thành phố lớn là xu hướng vận động của bóng đá Việt Nam trong thập kỷ qua. Mười bốn đội bóng dự V-League 2020, chỉ có Hà Tĩnh là ở đô thị loại II, còn lại đều ở đô thị loại I và thành phố trực thuộc trung ương.

Xu hướng vận động của bóng đá Việt Nam là vậy và việc chống lại “bóng ma” tiêu cực trên sân cỏ cũng không nằm ngoài xu hướng ấy./.

(Theo Nguyên Hà/VOV.VN