Đây là năm thứ tư liên tiếp, dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Mạng lưới tự kỷ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức xã hội và địa phương, tổ chức ngày nhận thức về tự kỷ, với chủ đề “Một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ”. 

Các đơn vị đồng tổ chức là Trung tâm sáng kiến Sức khoẻ và Dân số CCIHP, RUBIC Collaborative, Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Nam Định.

Tại lễ khai mạc, bà Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu: Thông qua chuỗi hoạt động này, chúng tôi mong muốn cộng đồng nhận thức đúng về tự kỷ, mở lòng và hỗ trợ đúng cách để người tự kỷ được sống bình đẳng, phát triển năng lực, đóng góp cho xã hội. Hãy cùng chúng tôi tạo ra một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ, đó cũng là cơ hội lớn để người tự kỷ có thể hòa nhập vào cuộc sống.

Sự kiện này cũng trở thành sân chơi đáng mong đợi nhất trong năm của hàng trăm các trung tâm can thiệp, tổ chức, dịch vụ về người tự kỷ, hàng triệu gia đình có người tự kỷ ở Việt Nam.

Đêm gala văn nghệ chào mừng Ngày hội thể thao Toàn quốc của người tự kỷ lần thứ 4

Ngày hội thể thao dành riêng cho người tự kỷ năm nay đã thu hút hàng ngàn người tham gia, với 5 môn thể thao là bơi, kéo co, nhảy bao bố, chạy, bật xa tại chỗ. Ngoài ra, người tự kỷ cũng được tham gia các hoạt động vui chơi trị liệu, biểu diễn văn nghệ.

Tự kỷ được xem là một trong ba vấn đề sức khoẻ lớn nhất tại Mỹ, ở hầu hết các nước ASEAN và châu Á, Chính phủ đều đưa vấn đề này thành hoạt động nghị sự cùng với các bộ, ngành của đất nước.

Ở Việt Nam, các vấn đề về chẩn đoán, can thiệp cũng như giáo dục, hướng nghiệp cho người tự kỷ đã có những dịch chuyển tích cực đáng kể.

Các bộ đánh giá và chương trình đào tạo nhân lực chăm sóc, giáo dục người tự kỷ đã được hình thành…


Thanh Lương