Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ ngày 27/6, có một vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 13,5-14,5 độ vĩ Bắc và 119,5-120,5 độ kinh Đông. Dự báo trong vòng 24 giờ tới vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây và có khả năng hoạt động mạnh dần lên.

Dự báo đêm nay và ngày mai (28/6), vùng áp thấp trên sẽ đi vào khu vực Bắc và giữa Biển Đông.

Khoảng ngày 29/6 đến ngày 2/7, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất khoảng 70-80%; sau có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất 40-60% trên khu vực Bắc Biển Đông.

Theo các chuyên gia khí tượng, dự báo cơn bão sắp hình thành sẽ không đi vào đất liền Việt Nam mà hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông. Tuy vậy, cơn bão sẽ gián tiếp kích hoạt gió mùa Tây Nam gây mưa gió ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tại các khu vực khác vẫn có nắng nóng. Thời tiết ở khu vực biển quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong những ngày tới, được nhận định là xấu.

Từ ngày 29/6 trở đi, khu vực phía Nam của Biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận trở vào đến Cà Mau, gió Tây Nam sẽ mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng cao từ 2-3m, biển động.

Cũng theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều tối ngày 29/6 đến 2/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 29/6 đến 3/7 khả năng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to.

Cơ quan khí tượng lưu ý, cần đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp, ven sông. Ngoài ra, trên các sông, suối nhỏ thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt lũ nhỏ.

Sáng nay 27/6, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công điện cho phép Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng bớt một cửa xả đáy từ 15 giờ ngày 27/6. Như vậy, chiều nay thủy điện Hòa Bình chỉ còn mở 1 cửa xả đáy.

 

 

Thái Hải