Điều đáng nói là ngay từ ban đầu chuyên ngành mới mẻ này đã có sự đan xen rất tự nhiên giữa triết học và tôn giáo, cho nên ngày nay mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo đức học môi trường đều được nhiều nhà triết học và tôn giáo quan tâm khảo sát.

Khi nói tới tác động của tôn giáo tới nhận thức của người dân mà trước tiên là tín đồ các tôn giáo chính là việc các tôn giáo đề cập tới một những ý niệm về đạo đức học môi trường tới họ.

Ở Việt Nam, có lẽ ý niệm này còn khá mới mẻ với đại bộ phận dân chúng. Và hình như rất ít người quan tâm đến vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường, trong khi tôn giáo lại là thiết chế có thể triển khai đạo đức môi trường tốt nhất từ những bài giảng về niềm tin và giáo lý của chính các tôn giáo.

Kết quả khảo sát xã hội học của Viện Nghiên cứu Tôn giáo tại 5 tỉnh Tây Nguyên năm 2013 trong khuôn khổ của đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 cho chúng ta thấy những chỉ báo ban đầu về tác động của tôn giáo tới nhận thức của tín đồ về môi trường tại đây.

Trong 399 tín đồ Công giáo được hỏi trên địa bàn 5 tỉnh, thuộc 9 thành phần dân tộc khác nhau, có tới 374 người trả lời đã được nghe giảng về môi trường, chiếm 93,7% những người được hỏi. Trong khi số trả lời “không được nghe” về môi trường là 25 người, chiếm 6,3%. Tương tự, đối với 396 tín đồ Phật giáo trên địa bàn 5 tỉnh, thuộc 4 dân tộc khác nhau, có 363 người được hỏi trả lời là có nghe giảng về môi trường trong các buổi giảng pháp, chiếm 91,7% số người được trả lời. Số người trả lời “không được nghe” là 33 người, chiếm 8,3% số người được trả lời.

Như vậy tác động của tôn giáo tại Tây Nguyên tới nhận thức về môi trường chiếm một tần xuất khá cao trong các tín đồ. Kênh đón nhận các thông tin về môi trường xuất phát từ các bài giảng của các chức sắc tôn giáo. Điều này cho thấy đây là hoạt động tự thân của chính các tôn giáo. Rõ ràng nó có tính ưu điểm của việc tự nhận thức trước những vấn đề môi trường đặt ra hiện nay, từ đó các tôn giáo xét thấy cần phải soi sáng vấn đề này trên nền tảng giáo lý của từng tôn giáo. Sự vận động từ nhu cầu nhận thức tự thân bao giờ cũng tích cực hơn các nhận thức về môi trường do bối cảnh. Qua các mẫu khảo sát cho thấy nhu cầu này đã xuất hiện trước hết ở chính các chức sắc tôn giáo, sau đó họ giảng pháp, phổ biến tới quần chúng tín đồ.

Điểm mạnh của việc tác động của tôn giáo tới nhận thức bảo vệ môi trường chính là ở chỗ: Thay vì bó buộc và thụ động trong một ý thức nảy sinh do bối cảnh ngoại lai tác động tới con người thì, các tôn giáo đã tác động một cách chủ động và tự giác vào nhận thức bảo vệ môi trường từ nội tâm, từ ý thức con người. Điểm mạnh còn ở chỗ, khi nhận thức về môi trường do thúc bách của bối cảnh ngoại lai, thường chỉ điều chính hành vi “phần ngọn”, nên người ta có thể dùng “thủ thuật” để qua mặt các cơ quan chức năng. Chẳng hạn nhiều năm qua, báo chí đưa tin lâm tặc kết hợp với một số nhân viên kiểm lâm để phá rừng, buôn bán động vật….

Khi tôn giáo, tác động vào nhận thức bảo vệ môi trường như một nguyên tắc luận lý của con người thì, có “khuất mắt thiên hạ” con người cũng đắn đo khi phá hoại môi trường, bởi các giáo lý, các nguyên tắc luân lý đạo đức được giảng, được nghe đó sẽ tạo ra một rào cản ngăn ngừa hành vi từ gốc rễ. Đây có lẽ là một đóng góp không nhỏ của tôn giáo với đạo đức môi trường.

Việc tác động tới nhận thức môi trường của các tôn giáo còn thể hiện ở mối quan tâm của các tín đồ tới môi trường. Trong cuộc khảo sát điều tra của Viện Nghiên cứu Tôn giáo tại 5 tỉnh Tây Nguyên, với 10 tiêu chí đề ra để hỏi các tín đồ các tôn giáo về việc quan tâm của họ tới các khía cạnh khác nhau của đời sống. Kết quả cho thấy môi trường không phải ở vị trí thấp nhất.

Đối với 399 tín đồ Công giáo được hỏi thì có 355 người trả lời quan tâm tới vấn đề môi trường, chiếm tỷ lệ là 89% số người được hỏi. Trong 10 tiêu chí quan tâm, môi trường chiếm vị trí thứ 5 trong các mối quan tâm của người Công giáo, cao hơn các quan tâm khác như: Việc làm (82,0%), kinh tế (86,7%), dân chủ (80,2%), pháp luật (83,5%), học vấn (84,7%).

Với 396 tín đồ Phật giáo được hỏi, có 310 người trả lời quan tâm đến môi trường, chiếm tỷ lệ 78,3% những người được hỏi. Trong 10 tiêu chí quan tâm, môi trường chiếm vị trí thứ 5 trong các mối quan tâm của Phật tử, cao hơn các mối quan tâm khác như: Việc làm (58,8%), dân chủ (60,2%), kinh tế (60,6%), luật pháp (71,7%), học vấn (65,9%). Ngoài ra với câu hỏi “Phật giáo khuyến khích điểm tốt nào” thì có tới 332/396 tín đồ Phật giáo (chiếm 83,8%) trả lời là “Phật giáo khuyến khích bảo vệ môi trường”.

Còn với 383 tín đồ Tin lành được hỏi, có 354 người trả lời quan tâm đến môi trường, chiếm 92,4% những người được trả lời. Trong 10 tiêu chí quan tâm, môi trường chiếm vị trí thứ 6, cao hơn các mối quan tâm khác như: việc làm, dân chủ, pháp luật và học vấn.

Cuộc khảo cũng bước đầu cho thấy thấy hầu hết các tín đồ hai tôn giáo lớn ở Tây Nguyên đều đã từng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức khác nhau. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy các hoạt động bảo vệ môi trường của các đoàn thể chính trị xã hội Nhà nước chiếm một vị trí chủ đạo trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tôn giáo dù có tác động mạnh đến nhận thức người tín đồ về việc bảo vệ môi trường nhưng trọng việc tổ chức các hoạt động bảo vệ có lẽ chưa được nhiều. Do đó lượng tín đồ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường của chính các tổ chức tôn giáo thực hiện cũng chưa cao. Tuy nhiên, khảo sát bước đầu này cũng cho thấy tần suất người tham gia vào hành vi bảo vệ môi trường của Công giáo và Phật giáo thực hiện đã chiếm trên 50%, cao hơn các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức khác ngoài các đoàn thể từ phía Nhà nước.

Như vậy, những thăm dò bước đầu về tác động của các tôn giáo tới việc bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên cho chúng ta những chỉ báo quan trong về vai trò và giá trị tôn giáo trong xã hội hiện đại. Với một vùng biến đổi mạnh mẽ về môi trường như Tây Nguyên hiện nay, nhất thiết trong chiến lược phát triển bền vững phải tính đến vai trò của các tôn giáo trong việc truyền tải ý thức trách nhiệm môi trường tới người dân.

TS. Ngô Quốc Đông