Liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở

An Giang là địa phương ở ĐBSCL thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh rạch, với chiều dài gần 800m, chủ yếu ở 2 huyện An Phú và Chợ Mới.

Trong đó, đoạn sông Ông Chưởng chảy qua địa phận huyện Chợ Mới thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng sụt lún đất, sạt lở, khiến hàng chục căn nhà có nguy cơ bị rơi xuống sông. Cụ thể, ngày 20/5, tại khu vực này, đoạn qua ấp Long Hòa, xã Long Điền B đã xảy ra vụ sụt lún đất bờ sông, ăn sâu vào mặt đường khoảng 4m, với chiều dài hơn 40m, có nguy cơ lan rộng. Tiếp đó, ngày 2/6, nơi đây lại xảy ra vụ sạt lở đất bờ sông đoạn qua tổ 17, ấp Long Định, xã Long Kiến, với chiều dài hơn 20m kéo theo một căn nhà dân bị sụt lún.

Tuyến tỉnh lộ 946 phía bờ sông Ông Chưởng tiếp tục xảy ra tình trạng sụt lún, với nhiều vết nứt từ 0,2 - 0,5m, chiều dài hơn 60m. Khu vực này hiện có nhiều căn nhà của người dân đã xuất hiện vết nứt trước cửa, trên tường và vách, có nguy cơ sạt lở toàn bộ xuống sông. Kết quả quan trắc cho thấy, đoạn sụt lún nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở cấp độ nguy hiểm.

Theo đánh giá của ngành chức năng địa phương, nguyên nhân xảy ra sạt lở ở khu vực này bước đầu được xác định do ảnh hưởng dòng chảy của đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, tạo thành lạch sâu, kết hợp tải trọng trên đường bờ lớn và hàm ếch gây sạt lở. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Ông Chưởng, dọc tỉnh lộ 946, với chiều dài hơn 40m, thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới.

Không chỉ An Giang, tình trạng sạt lở đã xảy ra ở tất cả 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Trong đó, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Long An… cũng là những địa phương có tình trạng sạt lở diễn ra rất phức tạp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần (từ ngày 2 đến ngày 8/6), trên địa bàn xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, bờ biển với tổng chiều dài sạt lở hơn 800m, trong đó có gần 200m đường bê tông, làm thiệt hại 19 căn nhà, hư hỏng 3 căn nhà, 3 trại tôm giống, làm ngã 2 trụ điện. Ngoài ra, phía bờ Bắc vàm Lung Ranh có 1 đoạn kè rọ đá bảo vệ đê biển Tây cũng bị hư hỏng với chiều dài khoảng 100m.

Tại tỉnh Sóc Trăng, chỉ tính riêng huyện Kế Sách, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 20 đoạn sạt lở bờ bao, đường đan bê tông tổng chiều dài gần 700m, thuộc các xã An Mỹ, Trinh Phú, Ba Trinh, Xuân Hòa, Kế An, Kế Thành và An Lạc Thôn. Tổng thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kế Sách Lê Hoàng Phong, tình hình sạt lở bờ sông, bờ kênh, đường giao thông, nhà cửa trên địa bàn huyện xảy ra ngày càng nhiều, nhất là khi có tác động mạnh của bão lũ, triều cường. Sạt lở gây hư hỏng các công trình kết cấu hạ tầng, các khu vực nhà ở cặp bờ sông, làm mất đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ngày 24/5/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Kế Sách tại bờ sông Rạch Phụng An, đoạn từ UBND xã An Mỹ đến cầu Sập, trong đó có đoạn sạt lở dài khoảng 205m trước UBND xã An Mỹ; tại các cồn trên sông Hậu như khu vực cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ), cồn An Tấn và An Công (xã An Lạc Tây).

Còn tại Bạc Liêu, tình hình sạt lở bờ sông cũng xuất hiện tương đối nhiều, toàn tỉnh được xác định có 39 khu vực sạt lở bờ sông. Sạt lở đã làm ảnh hưởng đến nhà cửa của các hộ dân sống dọc theo 2 bên bờ sông, làm mất diện tích đất sản xuất, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng và luôn đe dọa cuộc sống của người dân.

Trước diễn biến phức tạp của sạt lở, các địa phương ở ĐBSCL đã nỗ lực thực hiện nhiều phương án ứng phó như điều chỉnh sản xuất; cảnh báo và di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xây dựng bờ kè kiên cố ở những khu vực quan trọng, đông dân cư. Đồng thời, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân cùng phòng, chống sạt lở bằng các giải pháp phù hợp theo từng khu vực...

Cần nguồn kinh phí khắc phục sạt lở

Tại Cần Thơ, tình trạng sạt lở cũng xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tiếp tục xuất hiện 7 điểm sạt lở làm sụp đổ hoàn toàn 1 căn nhà, 27 căn bị sụp một phần, thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có báo cáo gửi UBND TP kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện 4 dự án kè chống sạt lở bờ sông tại quận Bình Thuỷ, Thốt Nốt và huyện Phong Điền.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết: “Mặc dù TP đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống sạt lở, nhưng tình hình sạt lở diễn ra ngày càng nhiều, mức độ nghiêm trọng hơn, khiến địa phương không đủ kinh phí để thực hiện các công trình, dự án khắc phục. Trong năm 2021, UBND TP sẽ kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn các quận Thốt Nốt, Bình Thủy và huyện Phong Điền”.

Tại Tiền Giang, trước tình trạng một số huyện đầu nguồn phía Tây xảy ra hàng trăm điểm sạt lở lớn, nhỏ với tổng chiều dài gần 4,7km, tỉnh đã trích kinh phí trên 42 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý 74 điểm sạt lở. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng trình Trung ương hỗ trợ thực hiện xử lý khẩn cấp 2 điểm sạt lở nguy hiểm tại rạch Bảo Định (TP Mỹ Tho) và kênh 28 (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), với tổng kinh phí khoảng 180 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đến năm 2030, tỉnh cần hơn 19.200 tỷ đồng để thực hiện Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và được chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần 11.147 tỷ đồng để đầu tư và sớm hoàn thiện 27 dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân tái định cư (chống sạt lở bờ sông 16 dự án; bờ biển 9 dự án) và dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông do sạt lở bờ sông. Giai đoạn 2026 - 2030 cần 8.110 tỷ đồng để thực hiện 23 dự án, công trình (kể cả dự án giai đoạn 2021 - 2025 chuyển sang), trong đó có 21 dự án và công trình chống sạt lở bờ sông.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Thời gian qua, Trung ương đã hỗ trợ vốn xây dựng các công trình chống sạt lở, góp phần cho người dân ổn định cuộc sống, an tâm phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên tình trạng sạt lở trên địa bàn ngày càng phức tạp. Nguồn vốn địa phương có hạn nên rất cần Trung ương hỗ trợ để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sống ven sông”.

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2018 đến nay, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL khoảng 6.622 tỷ đồng từ các nguồn vốn để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển. Hiện các địa phương vùng ĐBSCL cần nguồn vốn khoảng 8.143 tỷ đồng để xử lý 76 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển, với chiều dài 140km.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang thực hiện điều tra đánh giá hiện trạng và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL; hiện trạng dân cư tại những khu vực có nguy cơ sạt lở trên các tuyến sông chính thuộc hệ thống sông Tiền, sông Hậu; điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng hệ thống đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL.

Nhật Huyền