Mặc dù Dự án “Thiết lập nền tảng cho quản lý tổng hợp vùng bờ tại một số tỉnh ven biển Việt Nam” bị chậm so với kế hoạch dự kiến nhưng được sự hỗ trợ thúc đẩy tích cực của Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA tiền nhiệm, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

"Kết quả của Dự án sẽ đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch không gian biển và quy hoạch khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế biển của Việt Nam”, Tổng Cục trưởng cho biết.

Tổng cục Biển và Hải đảo cũng đang phối hợp với Cơ quan Quản lý môi trường biển Hàn Quốc (KOEM) xây dựng dự án về quản lý rác thải đại dương có quy mô khu vực, dự kiến sẽ được thực hiện tại 4 nước: Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia. Dự án đã được đưa vào danh mục ưu tiên và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua. Đây là một dự án rất triển vọng, mong muốn phía Hàn Quốc thúc đẩy để dự án sớm đi vào thực hiện trong năm 2021.

Ngoài ra, Tổng cục cũng đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác với một số đối tác Hàn Quốc thông qua ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với: Cục Bảo vệ Bờ biển Hàn Quốc (KCG) trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về giám sát, chuẩn bị và ứng phó với ô nhiễm dầu và các sự cố tràn dầu, tăng cường năng lực và hiệu quả của các hệ thống ứng phó, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến các chính sách về khung pháp lý và công ước quốc tế; Viện Nghiên cứu Địa chất và tài nguyên, khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM) về nghiên cứu địa chất và tài nguyên khoáng sản biển, nghiên cứu và điều tra tiềm năng khí hydrates ở vùng biển Việt Nam, đào tạo về nghiên cứu, dự báo địa chất và tài nguyên khoáng sản biển (bao gồm cả khí hydrates); trao đổi thông tin khoa học về địa chất, tài nguyên khoáng sản và môi trường biển; Viện Biển Hàn Quốc (KMI) trong việc phát triển và thực hiện chính sách quản lý biển, hải đảo, tăng cường năng lực trong quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý môi trường biển, chính sách biển, phát triển hệ thống thông tin dữ liệu về biển và hải đảo; KOEM về hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực quản lý bền vững biển và vùng bờ tại Việt Nam, tập trung nâng cao hệ thống quan trắc môi trường biển và xây dựng năng lực trong thích với biến đổi khí hậu và ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường biển…

Trên cơ sở hợp tác về các lĩnh vực trên, Tổng cục Trưởng Tạ Đình Thi cũng đã đề xuất phía KOICA xem xét đưa vào ưu tiên việc xúc tiến xây dựng một dự án cho giai đoạn tới về vấn đề mới liên quan đến sáng kiến “Carbon Xanh” (Blue Carbon), hoạt động để bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái ven biển vì vai trò của chúng trong việc giảm tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã được đề cập đến tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) tại Tây Ban Nha cuối năm 2019 vừa qua. Đây là vấn đề mới được hai phía Hàn Quốc và Việt Nam quan tâm, thúc đẩy để định hình các chính sách về biển trong thời gian tới.

Thái Hải