Làm sống lại vùng đất khó

Với mong muốn giúp người dân vùng “chảo lửa” Ninh Thuận thoát khỏi cái đói, cái nghèo đeo bám bao đời nay của người dân miền Trung cùng với lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2020, năm 2018, ông Nguyễn Văn Tiến đã lập nên Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (gọi tắt Trang trại Tiên Tiến) rộng trên 20ha, được UBND huyện Ninh Phước cấp phép kinh doanh với ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị, nên ngay từ ban đầu, trang trại đã được ông Tiến quy hoạch, thiết kế rất khoa học, bài bản theo mô hình khép kín, vừa đạt tính thẩm mỹ cũng như công năng sử dụng với nhiều khu vực như: Khu trồng cây nông nghiệp như măng tây, đậu phộng (lạc), tỏi, một số cây thảo mộc; Khu vực chăn nuôi trùn quế, nuôi bò; Khu vực sản xuất phân và thuốc sinh học phục vụ canh tác hữu cơ; Khu vực nhà sơ chế, chế biến, đóng gói, kho lạnh bảo quản các sản phẩm của trang trại.

Không chỉ thu hút gần 100 lao động địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm đến làm việc với thu nhập ổn định đạt 8 triệu đồng/lao động/tháng, Trang trại Tiên Tiến còn là đầu mối hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và tiêu thụ nông sản cho gần 200 hộ nông dân của Hợp tác xã (HTX) Tuấn Tú (xã An Hải) và HTX Châu Rế (xã Phước Hải) huyện Ninh Phước, giúp bà con sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, giúp các hộ dân này phát triển kinh tế hộ gia đình trên chính mảnh đất đầy nắng, gió và cát.

Không những thế, Trang trại Tiên Tiến còn trở thành “địa chỉ đỏ” được nhiều hội nông dân trong tỉnh và trên cả nước đến thăm quan mô hình, học hỏi và cùng trao đổi kinh nghiệm làm nông hữu cơ, phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn - đa tầng.

leftcenterrightdel
Sản xuất theo mô hình nông nghiệp khép kín của Trang trại Tiên Tiến sẽ tận dụng được toàn bộ sản phẩm trong trang trại. 

 “Ông Tiến đã giúp cho bà con nông dân tại địa phương cùng nhiều hợp tác xã lân cận phát triển kinh tế nông nghiệp đặc biệt là cây măng tây, nhiều gia đình đã thoát nghèo và từng bước làm giàu. Nhiều người dân địa phương mà đặc biệt đồng bào Chăm chúng tôi không còn phải rời bỏ quê hương đi làm thuê. Nhiều nông dân của xã An Hải đã trở thành gương điển hình tiên tiến trong làm nông nghiệp giỏi”, ông Hùng Ky, Chủ tịch HTX Tuấn Tú, đại diện cho cộng đồng bào dân tộc Chăm ở xã An Hải, huyện Ninh Phước chia sẻ.

Hiện tại, các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của Trang trại Tiên Tiến đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận đạt chuẩn Organic từ năm 2019, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã giúp cho Trang trại mang về nguồn doanh thu hơn 10 tỷ đồng trong năm 2019.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, sản xuất theo mô hình nông nghiệp khép kín sẽ tận dụng được toàn bộ sản phẩm trong trang trại. Những phế phẩm của cây măng tây, đậu phộng sẽ dùng làm nguồn thức ăn cho đàn bò hơn 300 con; Nguồn phân bò sẽ dùng để nuôi trùn quế; Phân trùn quế làm phân bón lại cho cây măng tây, đậu phộng và một số loại thảo mộc, rau ăn lá. Riêng thịt trùn quế được dùng làm nguồn thức ăn cho cá, gà… Hiện nay, trang trại còn sản xuất thêm hai sản phẩm đặc trưng đó là: chế phẩm thảo mộc Neem NNT - 18 được chiết xuất từ cây Neem và sản phẩm chế phẩm sinh học CNT- 18 được sản xuất từ nguồn cá biển đánh bắt gần bờ của bà con trong khu vực. Đây là hai sản phẩm có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp bà con đánh thức tiềm năng nguyên liệu vốn có của tỉnh mà còn thay thế hoàn toàn sản phẩm phân, thuốc ngoại nhập, giá thành cao.

Liệu có "chết yểu"?

Tại thời điểm đầu tư năm 2018, Trang trại Tiên Tiến không có điện lưới để sản xuất dù ông Tiến đã nhiều lần có đơn kiến nghị với chính quyền và ngành điện địa phương xin cấp điện song không được giải quyết. Không có điện đồng nghĩa không có nước, cây trồng chết khô; Không đủ điện để vận hành hệ thống phòng lạnh để bảo quản cũng như công tác sơ chế, chế biến, dẫn đến sản phẩm làm ra không kịp tiêu thụ đã bị hư hỏng và bỏ đi.

Mô hình sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực. Ra đời ở Đức vào đầu những năm 1980, mô hình này đã được triển khai ở một số quốc gia với hàng trăm dự án và ứng dụng (chủ yếu là quy mô nhỏ). Gần đây, ngày càng nhiều dự án thương mại quy mô lớn hơn đã được áp dụng tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Italia, Pháp.

Việc ứng dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp mang lại cho nông dân và cộng đồng nhiều lợi ích kinh tế - xã hội như tiết kiệm chi phí năng lượng, tăng thu nhập cho nông dân địa phương nhờ tăng vốn đầu tư và thu thuế, cải thiện cơ hội quảng bá và sức cạnh tranh do hình thành chuỗi cung ứng/sản xuất bền vững; có thể cải tiến các phương thức sản xuất nông nghiệp, giảm nhu cầu năng lượng trong thời gian cao điểm, giảm phát thải khí CO2…

Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ông Tiến đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng đường điện trung áp 22 kV. Tại thời điểm đó, hưởng ứng chủ trương phát triển điện mặt trời của Chính phủ theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg (gọi tắt Quyết định 11) ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, ông Tiến cùng nhiều hộ nông dân làm chung đã đầu tư lắp những tấm quang năng trên mái nhà kho, xưởng, trên lối đi nội bộ trong trang trại, trên các khu vực canh tác, trồng trọt, chăn nuôi với mục đích vừa làm tấm che giảm nhiệt cho cây trồng vật nuôi vừa có thêm nguồn điện sản xuất cho từng khu vực, góp phần tiết kiệm điện, giảm áp lực cho lưới điện quốc gia.

Cũng theo ông Tiến, khi đầu tư là theo Quyết định 11, sau khi thi công, vận hành đi vào sử dụng thì áp dụng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 13), trong đó có quy định: Điện mặt trời mái nhà thì các tấm pin phải được lắp trên mái của một công trình xây dựng.

Căn cứ theo Quyết định số 13 và các văn bản khác như Luật Xây dựng 2014, Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Thông tư số 63/2012/TT-BNNPTNT ngày 14/12/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì 10 dự án điện mặt trời tại Trang trại Tiên Tiến đều được lắp đặt trên mái công trình giao thông nội bộ và công trình nhà lưới hở, đáp ứng yêu cầu về điện mặt trời mái nhà và được hưởng theo khung giá quy định.

Nói về những rào cản đối với phát triển điện mặt trời kết hợp nông nghiệp, TS.Trần Hữu Hiệp, cố vấn nhóm Đối tác đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, có thể xuất phát từ nền tảng nhận thức, nhưng đang có sự chồng chéo trong quy định của các văn bản, dẫn đến cách hiểu và thực thi chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư điện mặt trời; không loại trừ việc lợi dụng sự nhập nhằng của quy định và nhũng nhiễu nhà đầu tư, cản trở việc lồng ghép “phát triển kép, đạt lợi ích kép”.

“Trong khi Nghị quyết số 55-NQ/TW6 mang tính định hướng và thông thoáng “khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước”, thì hàng loạt văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư điện mặt trời mang tính bó hẹp lại với khái niệm “điện mặt trời mái nhà”. Điều đó đã cản trở, làm khó, ngăn cản đầu tư hiệu quả, tiết kiệm các dự án đầu tư điện mặt trời áp mái trường học, kho xưởng, đặc biệt là không thể lồng ghép với nông nghiệp, thủy sản”, TS. Trần Hữu Hiệp thẳng thắn cho hay.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định “thêm mái” và một số yêu cầu khác theo Quyết định 13 vào trường hợp cụ thể của Trang trại Tiên Tiến là không hợp lý vì khi người dân đầu tư phải thực hiện theo Quyết định 11, những quy định mới chưa có. Việc áp dụng pháp luật còn "cứng nhắc" này có thể khiến mô hình nông nghiệp hữu cơ của Trang trại Tiên Tiến có nguy cơ bị "chết yểu".

Ông Tiến khẳng định, nếu chúng tôi thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Công Thương trong việc lợp mái tole dưới những tấm quang năng theo Quyết định số 13, sẽ dẫn đến hàng chục héc ta canh tác nông nghiệp bị hư hại do cây trồng thiếu ánh sáng, nhiệt độ môi trường tăng; vào mùa mưa lượng nước mưa không được phân bổ đồng đều mà tập trung một chỗ dẫn đến tình trạng cây trồng bị ngập, úng… Dự án nông nghiệp hữu cơ của chúng tôi tại địa phương sẽ bị “chết”. Hàng trăm lao động trực tiếp và gián tiếp là đồng bào dân tộc Chăm sẽ mất việc, đời sống bà con bị ảnh hưởng. Bởi khi lắp thêm tấm tole, nhiệt độ bên dưới tấm lợp có thể lên tới 45-500C, không những ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng mà còn làm giảm tuổi thọ của tấm quang năng và giảm công suất phát của hệ thống điện mặt trời.

“Nếu Bộ Công Thương chọn điện thì chúng tôi sẵn sàng lắp thêm tấm tole, còn nếu vừa có điện vừa đảm bảo sinh kế bền vững cho người nông dân địa phương thông qua phát triển nông nghiệp thì việc lắp thêm tấm tole là không cần thiết và không đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Chính phủ đã và đang đề ra”, ông Tiến cho biết.

Mới đây, trong một chuyến công tác tại Ninh Thuận, đến thăm mô hình Trang trại Tiên Tiến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh, đây là mô hình kinh tế tuần hoàn - đa tầng không có thứ gì bỏ đi, triệt để khai thác để tạo ra chuỗi giá trị với hệ thống điện mặt trời ở trên, còn bên dưới là sản xuất nông nghiệp. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha đất mà còn tạo ra những giá trị to lớn ở vùng đất khó khăn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá, bền vững. Ninh Thuận cần một thời gian dài xây dựng hoàn thiện chiến lược nông nghiệp sa mạc, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn - đa tầng.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh, đây là mô hình kinh tế tuần hoàn - đa tầng không có thứ gì bỏ đi, triệt để khai thác để tạo ra chuỗi giá trị với hệ thống điện mặt trời ở trên, còn bên dưới là sản xuất nông nghiệp. 

Khẳng định về vai trò của mô hình Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến trong việc lan tỏa các mô hình nông nghiệp hữu cơ ở địa phương, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằngmô hình Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến được kết hợp với những sản phẩm từ năng lượng, đến canh tác gồm giống cây trồng, vật nuôi tạo giá trị cao. Trang trại này là đầu mối để hỗ trợ cho các HTX và các hộ dân khác trên địa bàn tạo ra chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ (organic). Nó đã làm thay đổi vùng đất bán sa mạc 3 không: không hạ tầng, không nước, không điện từng bước thoát nghèo và trở nên thịnh vượng.

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì điện mặt trời là 1 trong 4 nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên, khuyến khích phát triển ở nước ta hiện nay (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối và thủy điện).    

 

Rõ ràng, mô hình sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp được xác định là có rất nhiều lợi thế, ngoài việc giúp người dân tiết kiệm chi phí còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến một ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Thế nhưng, mô hình này thực tế lại đang gặp nhiều rào cản, một phần do áp dụng pháp luật, một phần đến từ cơ chế chính sách. Mong rằng thời gian tới, các bộ, ngành liên quan, các tổ chức về phát triển bền vững cùng với chính quyền dịa phương sẽ sớm có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này được phát triển và nhân rộng trên thực tế.

Minh Anh