Cải thiện sinh kế cho người dân

Hiện nay, tỉnh Lai Châu có hơn 470.000ha tổng diện tích rừng, với 13 chủ rừng là tổ chức, 106 đơn vị cấp xã được Nhà nước giao quản lý rừng, còn lại là các cá nhân, hộ gia đình. Từ năm 2012 đến hết năm 2019, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Lai Châu đã chi trả 2.193 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; trong đó, năm 2019 chi trả 542 tỷ đồng, cho 78.754 hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng; thu nhập bình quân của các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng tăng từ 2 triệu đồng năm 2012 lên 6,5 triệu đồng năm 2019.

Huyện Tam Đường hiện có hơn 68.400ha diện tích tự nhiên; trong đó, diện tích đất có rừng 33.067ha (rừng tự nhiên có gần 31.800ha, còn lại là rừng trồng). Năm 2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường đã chi trả hơn 52,5 tỷ đồng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng, với diện tích gần 40.000ha.

Ông Phạm Danh Tuyên, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường cho hay, những năm qua, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động nhiều mặt đối với cuộc sống của người dân, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Một mặt giúp người dân cải thiện cuộc sống, mặt khác giúp họ có ý thức bảo vệ rừng và có trách nhiệm để giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp về xã Tả Lèng - một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đường. Xã có 3 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số. Người Mông nơi đây thường sống quần tụ thành từng bản, mỗi bản có khoảng vài chục nóc nhà trên các triền núi cao. Đời sống của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn do chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các cánh rừng, anh Sùng A Của, cán bộ kiểm lâm huyện Tam Đường phụ trách xã Tả Lèng cho biết, từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai đã thu hút lực lượng lao động lớn trong dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Với vai trò là cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, anh Của thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng và cùng nhân dân phát quang thực bì.

Đồng thời, anh Của hướng dẫn nhân dân đăng ký, trồng rừng để phát triển kinh tế gia đình; được hưởng phí bảo vệ rừng nên người dân trong xã Tả Lèng đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến rừng. Trước đây, việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn do ý thức của người dân còn hạn chế, nên trên địa bàn xã vẫn xảy ra tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, hoặc lấy gỗ lớn đem đi bán.

Hiện xã Tả Lèng có hơn 3.300ha diện tích đất có rừng; trong đó rừng phòng hộ chiếm hơn 2.900ha, còn lại là rừng sản xuất. Toàn xã có 852 hộ gia đình, 100% các hộ gia đình đều được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2019, xã Tả Lèng đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích hơn 3.200ha, với số tiền trên 3,7 tỷ đồng.

Đây là động lực để người dân các thôn, bản của xã Tả Lèng tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ làm tốt việc bảo vệ nên những cánh rừng của xã ngày càng phát triển xanh tốt, tình trạng cháy rừng hay chặt phá rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt. Ba năm trở lại đây, xã Tả Lèng không xảy ra vụ cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 66,09%.

Ngoài việc giúp người dân thay đổi nhận thức về bảo vệ rừng, chính sách chi trả môi trường rừng còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với rừng. Gia đình ông Giàng A Tùng, người dân tộc Mông ở bản Phìn Ngan Xin Chải, xã Tả Lèng là một trong những hộ điển hình của bản về trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Gia đình ông Tùng hiện có 1,4ha đất rừng sản xuất, năm 2015, ông được nhà nước hỗ trợ 1.600 cây giống sơn tra và công làm đất. Sau 5 năm trồng cây sơn tra đã cho thu hoạch, dự kiến sản lượng khoảng 300 kg quả, bán với giá từ 6.000 - 10.000 đồng/kg.

Ông Tùng tâm sự, trước đây, toàn bộ diện tích đất rừng ông chủ yếu trồng ngô nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế; nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay sơn tra bước đầu đem lại thu thập cho gia đình. Ngoài ra, khi sơn tra phát tán rộng, ông còn được hưởng thêm tiền dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm gia đình ông được nhận hơn 3 triệu đồng. Số tiền này không nhiều so với ở miền xuôi, nhưng đối với gia đình ông đã góp phần san sẻ gánh nặng về kinh tế.

Tăng hiệu quả bảo vệ rừng

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2012 đã tăng diện tích rừng được chi trả, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Đến nay, số vụ phá rừng, cháy rừng, vi phạm luật bảo vệ rừng đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ vi phạm, diện tích và số lâm sản bị thiệt hại); trên địa bàn tỉnh không còn tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép. Năm 2011, số vụ vi phạm bảo vệ và phát triển rừng là 257 vụ, đến năm 2019 giảm xuống còn 172 vụ (giảm 85 vụ so với năm 2011). Điều này, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh từ 41,6% năm 2011 lên 50,16% năm 2019, chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện.

Xác định việc bảo vệ và phát triển rừng là một trong những giải pháp giúp người dân giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu đã hướng dẫn, đôn đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ các địa phương xây dựng bản đồ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Quỹ cũng bố trí tối đa cán bộ xuống cơ sở để đôn đốc, hướng dẫn xây dựng bản đồ, xác định số tiền chi trả và kiểm tra, giám sát việc thanh toán tại 83/106 xã, phường, thị trấn, đảm bảo công tác chi trả theo đúng, đủ, kịp thời theo quy định.

Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu cho biết, từ chính sách môi trường rừng, các cấp, ngành và nhân dân đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ, phát triển rừng. Các bản tham gia nhận khoán đã thành lập tổ chuyên trách thường xuyên tuần tra, xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng tại địa phương. Công tác quản lý chi tiêu tiền dịch vụ môi trường rừng được cộng đồng thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Cùng đó, Quỹ còn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng đến với người dân; triển khai phương án giao rừng, hỗ trợ người dân vùng cao trồng rừng thay thế; đôn đốc các thủy điện nộp tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng theo đúng thời gian quy định.

Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị được chi trả dịch vụ môi trường rừng; tập trung tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Việt Hoàng - Đinh Thùy