Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vào sáng ngày 23/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,1 độ vĩ Bắc, 112,3 độ kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 330km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 560km với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9; bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây - Tây Bắc với tốc độ từ 15-20km/giờ.

Đến chiều ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ vĩ Bắc, 109,1 độ kinh Đông, trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, cách huyện đảo Lý Sơn 30km, cách Quy Nhơn 150km với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới rồi tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Trung và Nam Lào.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, từ hôm nay đến hết ngày 25/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi hơn 300mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ, các địa phương trong khu vực chỉ đạo thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng bảo đảm an toàn cho hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy sản.

Các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra...

N. Phê - Q. Thân