Đến nay, mặc dù cơn lũ đã đi qua, thế nhưng nhiều người dân ở bản Sa Ná, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng vì lũ đã cuốn trôi 24 ngôi nhà, tài sản cùng 14 người dân mất tích hôm 3/8. Mặc dù, đến nay lực lượng chức năng đã tiếp cận được bản Sa Ná để cung cấp lương thực, thực phẩm, tìm kiếm những người mất tích. Hiện đã tìm thấy 4 người bị thương trong số 14 người để đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi, cách trở, đi lại khó khăn nên việc tìm kiếm của lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Anh Hà Văn Vân, một người dân ở bản Sa Ná, xã Na Mèo nói trong nước mắt: Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, nên tôi phải bỏ gia đình xuống TP Thanh Hóa làm ăn kiếm thêm thu nhập để nuôi vợ và 2 con nhỏ. Khi đang ở TP Thanh Hóa làm việc thì nhận được “hung tin” lũ quét ngang qua bản Sa Ná làm cả nhà bị nước lũ cuốn trôi. Thất thần bắt xe, tìm mọi cách để về đến bản thì chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, đổ nát của người dân nơi đây. Tim tôi như chết lặng, đau đớn, khi biết vợ và 2 con thơ dại đã bị lũ cuốn mất tích. “Mất hết cả rồi, nhà cửa, vợ con đều đi theo dòng lũ rồi, tôi cũng chẳng thiết sống để làm gì. Đau quá các anh ạ, phải làm sao bây giờ”, anh Vân bần thần, tuyệt vọng.

Ông Hà Văn Tom, chú ruột anh Hà Văn Vân nhớ lại: Hôm đó, trời xầm xì, rồi bất ngờ đổ mưa. Lúc đầu nước nhỏ tràn về, rồi bất ngờ lũ xuất hiện khá nhanh khiến nhà cửa trong bản sập đổ theo dòng nước. Nhiều người trong bản bị cuốn trôi, người dân hò hét thất thanh vì nhà cửa sập đổ, tài sản bị nước cuốn trôi. Tôi đứng ở trên nhìn thấy cảnh tượng đau lòng này xảy ra mà không thể cứu giúp vì lũ úp quá bất ngờ, cuốn phăng tất cả. Giờ cả bản vẫn còn 10 người mất tích chưa được tìm thấy. Lũ rút đi, cả bản làng tan hoang, xơ xác, tiêu điều, ai sống sót cũng đau lòng vì mỏi mệt tìm kiếm người thân mất tích.

Ông Lương Văn Chon, 52 tuổi, ở bản Sa Ná, xã Na Mèo là người vừa được giải cứu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn kể lại: Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy trận lũ nào lớn như vậy. Khi bị lũ cuốn trôi, tôi cố gắng vùng vẫy, khua tay bấu víu các thân cây ở giữa dòng. Lúc này tôi xác định chỉ có chết vì nước lũ to quá. Vừa đói, vừa rét, rất may sau đó tôi được các lực lượng chức năng giải cứu kịp thời.


Cũng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn, anh Hoàng Xuân Luyến (45 tuổi, ở bản Sa Ná) không kìm nén được nỗi đau đớn cho biết: Thời điểm xảy ra sự việc, tôi đưa vợ và 2 đứa con sang nhà anh trai tá túc. Đến lúc quay về nhà lấy bếp ga thì bất ngờ bị nước cuốn trôi cả nhà lẫn người. Trong lúc nguy kịch, tôi cố gắng bám vào khúc luồng và bám chặt cành tre rồi bò lên bờ. Đến khoảng 10 giờ có người tìm thấy và đưa tôi vào trạm xá. “Vợ tôi là Nguyễn Thị Tiến, sinh năm 1988 và 2 con nhỏ là Hoàng Hải Yến, 18 tháng tuổi và bé trai mới được 3 tháng tuổi hiện vẫn chưa thể liên lạc được”, anh Luyến lo lắng kể lại.

Chủ tịch UBND xã Na Mèo, huyện Quan Sơn Phạm Văn Tiệu cho biết: Hiện có khoảng 1.000 người thuộc nhiều lực lượng đang tổ chức tìm kiếm người mất tích và khẩn trương tiếp cận bản Sa Ná. Tuy nhiên, để vào được bản Sa Ná là hết sức khó khăn vì bản nằm cách Quốc lộ 217 khoảng 7km. Hiện tại do nước dâng cao nên muốn vào được bản Sa Ná phải sử dụng tàu cao tốc để vượt sông Luồng, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 5km đường rừng mới có thể đến bản. Chính vì thế, một nhóm cứu hộ, cứu nạn khoảng 10 người đã vượt rừng vào đến Sa Ná nhưng chỉ đi được người không mà không thể mang theo được thiết bị cứu trợ hay lương thực, thuốc men gì khác.

Trước tình hình mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp, các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quan Sơn đã thường trực tại các địa bàn xã, khu vực xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra do lũ ống, lũ quét; tiếp tục huy động lực lượng phương tiện, thiết bị bố trí cắm tại các bản, trực chỉ huy, trực gác và xử lý sự cố, đồng thời cảnh báo, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra; tổ chức lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn những người mất tích còn lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Đến sáng ngày 5/8/2019, chúng tôi vẫn đang triển khai, tiếp cận tất cả các bản bị nước lũ cô lập, tích cực tổ chức tìm kiếm những người mất tích, đồng thời huy động lực lượng dựng lại nhà cửa cho nhân dân vùng lũ đi qua, lấy nơi che nắng, trú mưa lúc này. Bên cạnh đó, nhiều đoàn cũng muốn vào các bản để cứu trợ, nhưng do đường xá khó khăn, thậm chí nguy hiểm nên việc tấp cận cũng chỉ ở mức độ. Để người dân không bị đói, rét, chúng tôi cũng đã đáp ứng thuốc men, lương thực tại chỗ, đủ để dùng trong vòng 5 đến 6 ngày tới. Những gì khó khăn, huyện cũng đã báo cáo tỉnh để có hướng giải quyết cụ thể.


“Hiện thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê, phải khi lũ rút thì mới đánh giá được cụ thể, mới có con số chính thức. Thiệt hại nặng nhất là về người, ban đầu có 17 người mất tích, đã tìm kiếm được 5 người, thấy xác 2 người, còn lại 10 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Lực lượng Công an, Biên phòng, Dân quân tự vệ, chính quyền địa phương đang nỗ lực, nhiệt tình tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau cơn lũ dữ. Hiện nước lũ cũng đã rút, tuy nhiên nước chảy ở các sông vẫn rất hung dữ, sạt lở nhiều điểm giao thông. Các tuyến chính, địa phương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải khắc phục cơ bản, tạo điều kiện cho việc đi lại, tiếp cận các bản còn bị cô lập”, ông Tiến nói.

Trước tình hình mưa lũ diễn ra trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn công tác cũng đã trực tiếp kiểm tra, triển khai phương án tìm kiếm, cứu nạn tại xã Na Mèo và Mường Mìn. Ông Xứng yêu cầu nhân dân các bản, chính quyền địa phương đùm bọc, chia sẻ với những gia đình có người bị chết, mất tích. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Quan Sơn cũng như xã Na Mèo rà soát quỹ đất để sớm bố trí tái định cư cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà cửa sớm ổn định cuộc sống.

Trong công tác triển khai tìm kiếm cứu nạn, ông Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các lực lượng vũ trang thành lập các tổ công tác, bao gồm, Công an, Quân đội, Biên phòng, Y tế và người địa phương vượt sông Luồng mang theo lương thực, thuốc chữa bệnh tiếp tế cho các bản bị chia cắt, cô lập. Đến nay, cơ bản các tổ công tác đã được tiếp cận các bản, nhưng chưa liên lạc được ra ngoài do hệ thống viễn thông đang bị hư hỏng. Các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trên địa bàn huyện Quan Sơn cũng đang ra sức khắc phục hậu quả của lũ quét đi qua.

Văn Thanh