Vườn quốc gia Ba Bể còn bao nhiêu cây gỗ nghiến?

Theo báo cáo của Ban Quản lý VQG Ba Bể, trong năm 2015, đã phát hiện và xử lý 79 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn quản lý, tăng 12 vụ so với năm 2014. Trong đó, khai thác mới có 6 vụ với 9 cây gỗ bị chặt phá (1 cây gỗ sấu và 8 cây gỗ nghiến) với tổng khối lượng là 54,5m3.

Hết năm 2016, vườn đã phát hiện và xử lý 48 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 31 vụ so với năm 2015). Tuy nhiên, nạn khai thác rừng trái phép đã phát hiện 11 vụ với 16 cây bị chặt hạ, trong đó có 10 cây gỗ nghiến với khối lượng hơn 105m3 gỗ và 6 cây gỗ khác với khối lượng khoảng 15m3.

Cũng theo báo cáo quý I của VQG Ba Bể, tính đến ngày 24/3/2017 đã có 7 vụ chặt hạ 10 cây gỗ các loại, trong đó có 9 cây gỗ nghiến với khối lượng hơn 59m3 và 1 cây gỗ phay hơn 2,4m3.

Theo báo cáo của VQG Ba Bể thì không có 1 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) mới bị chặt hạ, lá vẫn còn tươi mà tổ công tác đã xác nhận, khối lượng bị thiệt hại là 4,09m3 (khối lượng thiệt hại theo hồ sơ của Hạt Kiểm lâm VQG xác định ngày 26/12/2016) tại khu vực Lùng Mấu, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Căn cứ kết quả kiểm tra và báo chí phản ánh có 1 cây gỗ nghiến mới bị chặt hạ gần lòng hồ là đúng sự thật nhưng thời điểm chặt hạ không đúng ngày 5/3/2017.

Tại hiện trường khu vực Ao Tiên, thuộc thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, tổ công tác tiếp tục phát hiện có 3 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ trái phép với tổng khối lượng là 20,252m3 (thời điểm chặt hạ là vào ngày 20/3/2016) chưa được lập hồ sơ báo cáo theo quy định. Đáng nói là, dù được chặt đã… 1 năm nhưng lá trên các cây này vẫn còn xanh và nhựa từ gốc vẫn đang chảy ra theo như những hình ảnh mà PV đã ghi nhận thực tế hiện trường.

Người dân phản ánh có 6 cây gỗ nghiến, cả mới và cũ bị chặt hạ tại khu vực Khâu Củm, Bản Cám, xã Nam Mẫu đối diện Ao Tiên với tình trạng lá vẫn còn xanh và gốc cây vẫn đang chảy nhựa chứng tỏ mới bị chặt và nhiều khả năng là không có trong báo cáo của vườn. Tức là nếu thống kê đầy đủ thì số lượng phải lớn hơn rất nhiều.

Câu hỏi được đặt ra là: Với tốc độ chặt phá rừng như đang diễn ra thì những cây gỗ nghiến còn lại tại VQG Ba Bể tồn tại được đến bao lâu nữa? Cần nhắc lại, tháng 10/2016, tại khu vực Lùng Duốc có 1 cây nghiến bị chặt hạ với tổng khối lượng lên tới 61,026m3 gỗ. Theo lời ông Bùi Văn Quang, quyền Giám đốc Vườn thì cây nghiến này có tuổi đời trên 200 năm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong ngày 12/4, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra Thông báo số 39 với nội dung kết luận của ông Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh - về tình trạng chặt phá rừng nghiến tại VQG Ba Bể.

Trước đó, vào ngày 9/4, ông Lý Thái Hải đã chủ trì cuộc họp bàn, xem xét giải quyết về tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật. Tại cuộc họp, ông Hải đã yêu cầu VQG Ba Bể phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng chặt phá rừng. Nếu phát hiện được cán bộ thiếu trách nhiệm, bao che… sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/4.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn trả lời với báo chí: “Trong chuyến kiểm tra, tôi phát hiện thêm 7 cây gỗ nghiến bị đốn hạ trong khu vực VQG Ba Bể. Sau đó, tôi đã chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác thường xuyên kiểm tra và chốt chặn những chỗ hiểm yếu mà bọn lâm tặc có thể đi qua để xử lý”.

Những cây nghiến vẫn tiếp tục bị chặt hạ tại khu vực Khâu Củm, Bản Cám đối diện Ao Tiên thuộc xã Nam Mẫu, Ba Bể. Ảnh: Nam Dũng

 

Tại mục 5, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã nêu: Xác định  rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức địa phương. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị nhân dân coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức tại địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong buổi làm việc với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (phụ trách Cục Kiểm lâm), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để xảy ra tình trạng mất rừng thì người phải chịu trách nhiệm là chủ rừng được giao quản lý và tiếp đến là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết, trong VQG Ba Bể có 36 nhân sự là kiểm lâm nhưng chỉ là những viên chức kiểm lâm chứ không phải công chức kiểm lâm nên không có thẩm quyền xử phạt "lâm tặc" như công chức kiểm lâm!

Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết thêm, tình trạng viên chức kiểm lâm thì hiện nay tại các vườn có khoảng gần 4.000 người đang thực thi nhiệm vụ. Theo quy định thì giám đốc vườn phải là công chức kiểm lâm để ký các quyết định xử phạt. Việc bố trí nhân sự (công chức hay viên chức kiểm lâm) tại các vườn là do UBND các tỉnh sắp xếp, quyết định.

Trong buổi làm việc với PV, ông Bùi Văn Quang, quyền Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Bể thừa nhận, trước kia khi còn làm ở huyện thì ông là công chức nhưng khi chuyển sang làm Phó Giám đốc VQG Ba Bể thì ông lại là viên chức. Hiện tại, ông vẫn là viên chức kiểm lâm vì không còn tuổi bổ nhiệm Giám đốc mà chỉ là quyền Giám đốc.

Qua đó, có thể thấy nhiều bất cập trong tổ chức và bảo vệ VQG Ba Bể. Có thể điều đó đã dẫn đến tình trạng VQG này liên tiếp có việc các cây gỗ quý bị chặt hạ và VQG vẫn "chảy máu".

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng