Tại buổi họp báo, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) cho biết: Thời gian vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 18 - 25/9/2019, xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Sở TN&MT đang triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí quan trắc với tần suất 10 ngày trong tháng. Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.

Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép.

Theo ông Cao Tung Sơn, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP chủ yếu từ 3 loại nguồn chính là ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông, do các hoạt động công nghiệp, do các hoạt động xây dựng.

Ông Sơn cho biết: Trong thời gian tới sẽ kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông, do các hoạt động công nghiệp, như kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ.

Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra giám sát các nguồn thải mà đặc biệt là các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở TN&MT để giám sát.

Bên cạnh đó, tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc bao giờ TP Hồ Chí Minh có trạm quan trắc tự động, ông Sơn cho hay: Cuối năm 2019, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và năm 2020 triển khai thực hiện. Còn Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP là đề án mang tính tổng thể, được phân kỳ thực hiện từ nay đến năm 2030. Để triển khai việc này phải có nguồn lực và rút kinh nghiệm quá trình thực hiện, do đó việc phân kỳ là cần thiết để thực hiện.

Thiên Lý