Di cư tự do ồ ạt

Năm 2012, huyện Mường Nhé chia tách thành 2 huyện: Mường Nhé và Nậm Pồ. Lúc đó, dân số huyện Mường Nhé có gần 33.000 người, đến cuối năm 2015, số dân Mường Nhé đã tăng lên hơn 38.000 người. Trong số đó phần nhiều là dân DCTD từ các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu và một số ít là người nội tỉnh đến cư trú, sinh sống. Số dân DCTD chủ yếu là người Mông. Họ sống rải rác trong những cánh rừng bạt ngàn, cách xa khu dân cư bản địa hàng nửa ngày đường. Nơi "tập kết" nhiều dân DCTD là các xã Mường Nhé, Leng Su Sìn, Chung Chải.

Ông Sừng Go Lồng, Trưởng bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn, cho biết: Năm 2010, bản chỉ có 49 hộ là người dân tộc Hà Nhì sống từ lâu đời ở đây. Năm 2011, có 36 hộ dân, hơn 100 khẩu, không biết từ đâu đã "nhảy dù" xuống địa phận giáp với bản Phứ Ma. Họ dựng nhà tạm trong rừng. Những năm sau đó, dân DCTD tiếp tục đổ về Phứ Ma rồi lập thành bản Cà Là Pá. Nay, số dân DCTD đến ở bản Cà Là Pá đã lên tới 350 hộ, hơn 2.300 khẩu.

Ngôi nhà, nói đúng hơn là túp lều của vợ chồng ông Thào A Tòng, nằm trên một quả đồi, xung quanh là rừng. Trong nhà không có đồ đạc gì, ngoài mấy cái nồi, vài cái bát. Vợ chồng ông Tòng quê ở Yên Châu, Sơn La, trước khi di cư sang xã Leng Su Sìn, Mường Nhé, ông Tòng nguyên là cán bộ Phòng Dân tộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Năm 2009, ông Tòng bỏ việc đưa vợ con DCTD sang Mường Nhé. Nay, gia đình ông Thào A Tòng đã được chính quyền cấp sổ hộ khẩu. Cùng đi với gia đình ông còn nhiều gia đình khác. 

Người dân DCTD nói rằng, Mường Nhé còn nhiều đất, màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho cây lúa nương phát triển, nên đua nhau đến.  Dân DCTD đã gây áp lực lớn cho Mường Nhé cả về an ninh chính trị đến an sinh xã hội. Hệ lụy lớn nhất là nạn phá rừng làm nương.
 
Thủ phạm chính nạn phá rừng

Tháng 3, tháng 4 là mùa làm nương của người dân Mường Nhé. Đến các bản Chí Xé, Phứ Ma, Tá Phì Chà, Phiêng Kham, Nậm San của các xã Leng Su Sìn, Mường Nhé, Chung Chải, nhìn những cánh rừng bị “cạo trọc” mà xót.

Vợ chồng, con cái ông Thào A Tòng sống trong túp lều giữa rừng sâu. Ảnh: Hồng Bài

Anh Lò Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé cho biết: Dân DCTD phá rừng rất chuyên nghiệp. Ngày phát thực bì, đêm dùng cưa máy cắt gốc cây, thậm chí không cắt mà để thực bì khô rồi đốt. Cây bé cháy, đổ. Cây to bị lửa thiêu, chết đứng. Chiều hôm trước rừng còn xanh ngút ngàn, chỉ qua một đêm, sáng hôm sau cả cánh rừng hàng chục ha đã biến thành nương.

Ông Sừng Go Lồng cho biết, số dân DCTD đến bản Phứ Ma tỷ lệ nghịch với diện tích rừng. Chỉ trong vòng 5 năm (2010 - 2015), người dân DCTD về bản Cà Là Pá tăng hơn 300 hộ thì diện tích rừng Phứ Ma “mất” hơn 650ha.

Ông Ma Công Sít, ở bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé dẫn chúng tôi vào cánh rừng khe Huổi Háng, Huổi Phi Nhặc. Đây là cánh rừng phòng hộ đã giao cho bản Phiêng Kham quản lý, bảo vệ. Người dân trong bản không ai giám vào rừng chặt cây. Năm 2014, mấy hộ dân DCTD đến, họ vào giữa rừng dựng lán rồi phá rừng làm nương. Dân bản Phiêng Kham vào can ngăn thì họ bỏ đi. Dân về thì họ lại ồ ạt kéo nhau phá rừng. Dân DCTD phá rừng làm nương theo kiểu “đổi công”. Nay làm nương nhà này, mai làm cho nhà khác... Mỗi lần làm nương (phá rừng) có từ 30 - 50 người. Một ngày họ phá cả mấy ha rừng. Chỉ trong 2 năm 2014 - 2015, gần 150ha rừng phòng hộ khe Huổi Háng, Huổi Phi Nhặc đã bị phá trơ trụi.

Anh Phạm Văn Khiêm, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Điện Biên cho biết, qua kiểm tra trong 3 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn Mường Nhé phát hiện 37 điểm phá rừng, thiệt hại gần 50ha, trong đó rừng phòng hộ hơn 9ha, rừng sản xuất hơn 38ha. Trong 37 điểm, chỉ có 4 điểm phát hiện được đối tượng vi phạm, nhưng không xử lý được. Vì đối tượng không hợp tác, lẩn trốn, tập trung đông người chống lại người thi hành công vụ.   

Thực tế trên cho thấy, các cấp chính quyền tỉnh cần có những giải pháp cứng rắn giải quyết triệt để, dứt điểm tình trạng di dân tự do, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng. Đặc biệt là những đối tượng chống đối lại người thi hành công vụ. Đồng thời, các tỉnh có dân DCTD phải có phương án ổn định dân cư tạo điều kiện cho dân DCTD khi trở về nơi ở cũ có đất ở, đất sản xuất để không tái di cư quay lại Mường Nhé. Như vậy, Mường Nhé mới giữ được rừng và phát triển ổn định.

Hồng Bài