Xử phạt 9,5 tỷ đồng

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về việc đánh bắt thủy sản.

Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh và các đơn vị đã đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường lực lượng, tổ chức phương tiện tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với tàu có hành vi vi phạm trong việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt.

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên ngành thủy sản đã tổ chức bám biển 24giờ/ngày, tăng cường hoạt động vào ban đêm, các ngày nghỉ; lực lượng chức năng và các địa phương cũng tăng số chuyến, số lượt tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cũng đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ các địa phương, ngư dân. Đến nay, đã nhận được gần 200 tin báo. Qua đó, đã xử lý và ngăn chặn nhiều trường hợp sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 2.586 vụ vi phạm công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử phạt 9,5 tỷ đồng; tịch thu 415 kích điện; 55 súng điện; 6.195m dây điện; 55 bình ắc quy; 213 máy nén khí; 18.405m ống dẫn khí; 6.211 lồng bát quái…

UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, so với năm 2016, kết quả xử lý vi phạm trong toàn tỉnh đã tăng 2,9 lần; số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước tăng 4,6 lần. Tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt đã từng bước được kiểm soát, không còn phổ biến, tràn lan như trước.

Đảm bảo đời sống cho ngư dân

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, cùng với việc tăng cường lực lượng kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi bị cấm, tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho ngư dân; xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ phù hợp với thực tiễn. Nếu ngư dân không chuyển đổi nghề sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện chuyển đổi ngư cụ đánh bắt để đảm bảo đời sống.

Đến nay, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát nhu cầu thực tế, đào tạo nghề cho những ngư dân muốn chuyển hẳn sang nghề khác. Đối với những ngư dân vẫn muốn bám biển, ngoài vận động quay về nghề lưới truyền thống sẽ động viên ngư dân tham gia tổ hợp tác để cùng góp vốn đóng tàu tiếp tục vươn khơi xa đánh bắt.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, bổ sung thêm đối tượng và lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và hộ gia đình tham gia chuyển đổi nghề phù hợp...

Đây sẽ là cơ sở, là tín hiệu vui để ngư dân có thể yên tâm chuyển đổi nghề, đảm bảo cuộc sống. Đồng thời, thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng như thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên của vùng biển Quảng Ninh.

Trọng Tài